Giao dịch ký quỹ: ưu điểm, rủi ro, cách tận dụng đòn bẩy tài chính

Vay tiền để tăng sức mua – đó là cách chúng ta vẫn thường làm đối với căn nhà hay những món hàng xa xỉ mà ta không đủ sức mua. Nhưng bạn có biết rằng bạn cũng có thể làm như vậy với cổ phiếu không?

Tất nhiên là có thể. Tùy thuộc vào loại tài khoản môi giới và số dư của bạn, mà ban có thể thực hiện giao dịch ký quỹ (margin trading) – hoặc dùng đòn bẩy (leverage) với vốn của mình, như cách gọi của các chuyên gia.

Khi bạn biết mình có thể ký quỹ để gia tăng vốn, thì việc sử dụng tiền đi vay để đầu tư vào cổ phiếu có phải là một ý kiến tốt hay không? Và lợi thế có lớn hơn rủi ro không? Chúng ta sẽ cùng xem xét những lợi ích và rủi ro khi giao dịch ký quỹ trong bài viết này.

Giao dịch ký quỹ là gì?

Giao dịch ký quỹ – margin trading, hay còn gọi là mua ký quỹ, là hoạt động vay tiền từ nhà môi giới chứng khoán của bạn để mua cổ phiếu, trái phiếu, ETF hoặc các chứng khoán thị trường khác. Khi bạn mua bất kỳ khoản đầu tư nào với ký quỹ, bản thân khoản đầu tư đó được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Bằng cách giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư có thể tăng sức mua lên nhiều lần tuỳ vào mức đòn bẩy mà nhà môi giới cung cấp.

Giao dịch ký quỹ hoạt động như nào?

Đây là cách thức mà margin hoạt động: Giả sử bạn quyết định mua cổ phiếu XYZ trị giá 10000 USD. Bạn trả 5000 USD tiền túi bỏ ra và vay (mua ký quỹ) 5000 USD còn lại. Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng khoản đầu tư của bạn tăng 25% lên 12500 USD. Lợi tức đầu tư thực tế của bạn sẽ là 50%, vì số tiền thực chi của bạn chỉ là 5000 mà thôi.

Tận dụng ký quỹ để gia tăng lợi nhuận là điều thật tuyệt vời! Nhưng hãy nhớ rằng giao dịch ký quỹ làm gia tăng thua lỗ cũng giống như đối với lợi nhuận. Nếu khoản đầu tư 10000 USD của bạn giảm 25% xuống còn 7500, bạn sẽ mất 50% số vốn bỏ ra.

Một điều quan trọng cần lưu ý là các nhà môi giới không cho vay tiền ký quỹ miễn phí. Giống như các khoản vay khác, các khoản vay ký quỹ được tính lãi. Tuy nhiên, tỷ lệ ký quỹ thường thấp hơn tỷ lệ phần trăm hàng năm (APR) của các khoản vay cá nhân và thẻ tín dụng, và thường không có thời gian biểu hoàn trả cụ thể.

Vì các vị thế ký quỹ thường được giữ trong khoảng thời gian tương đối ngắn, phí lãi suất trong thời gian ngắn cũng không ảnh hưởng nhiều tới tài khoản của bạn. Tuy nhiên, nếu khoản vay ký quỹ của bạn kéo dài, đó là lúc nên xem xét chi phí lãi suất có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn như thế nào.

Giao dịch ký quỹ có ưu điểm gì?

Ưu điểm của margin trade là gì? Mặc dù có vẻ như giao dịch ký quỹ đem lại lợi nhuận lớn hơn, nhưng điều đó không đúng về mặt kỹ thuật. Nếu khoản đầu tư vào cổ phiếu trị giá 50 000 USD tăng 10%, lợi nhuận của bạn sẽ là 5000 USD bất kể bạn mua cổ phiếu đó chỉ bằng tiền túi bỏ ra hay kết hợp tiền bạn có và tiền ký quỹ.

Trên thực tế, cuối cùng bạn sẽ có ít tiền hơn một chút so với việc mua cổ phiếu hoàn toàn bằng tiền mặt vì bạn sẽ phải trả lãi cho số tiền đã vay.

Nhưng đó là khi bạn có nhiều tiền trong túi mà không cần phải đi vay. Còn không, ký quỹ sẽ giúp cho bạn thu về nhiều % hơn, bởi vì:

  • Ký quỹ giúp tăng sức mua: Giao dịch ký quỹ cho phép bạn đầu tư nhiều hơn số tiền bạn có. Đối với những mã cổ phiếu có giá quá cao, sử dụng ký quỹ đôi khi là cách duy nhất để có thể đầu tư.
  • Đa dạng hoá danh mục đầu tư: Nếu chỉ sử dụng tiền mình có, bạn có thể chỉ đầu tư được vào hai hoặc ba mã cổ phiếu. Bằng cách đi vay, bạn có thể mua thêm một số mã cổ phiếu khác (hoặc số cổ phần lớn hơn trong mỗi cổ phiếu) để giảm bớt rủi ro. Trên thực tế, kỹ thuật này, được gọi là đòn bẩy, mà hầu như những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những người giao dịch theo ngày đề tận dụng để đa dạng hoá danh mục đầu tư và gia tăng cơ hội chiến thắng.

Giao dịch ký quỹ có rủi ro gì?

Margin trade có nguy cơ gì? Sử dụng đòn bẩy để tăng quy mô đầu tư, như giao dịch ký quỹ, là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ hoàn vốn của bạn. Nhưng tổn thất cũng có thể nhân lên nhanh chóng.

Khi bạn đã mua cổ phiếu hoặc chứng khoán ký quỹ, bạn phải giữ một lượng vốn chủ sở hữu tối thiểu trong tài khoản ký quỹ của mình. Vốn chủ sở hữu là giá trị thị trường của chứng khoán trong tài khoản trừ đi số tiền cho vay ký quỹ. Ở Mỹ, tối thiểu, nhà đầu tư phải có ít nhất 25% tổng giá trị thị trường của chứng khoán theo yêu cầu của Cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA).

Yêu cầu ký quỹ duy trì này có thể khác nhau giữa các nhà môi giới và cao từ 30% đến 40%, tùy thuộc vào loại chứng khoán được mua. Mặc dù bản thân tỷ lệ duy trì 25% không có rủi ro nhưng khi chứng khoán giảm giá trị đến mức vi phạm yêu cầu, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn về tài chính.

Có một rủi ro khác của ký quỹ: Việc sụt giảm các khoản đầu tư của bạn có thể dẫn đến tài khoản giảm xuống dưới mức ký quỹ duy trì của nhà môi giới (số dư tối thiểu, bằng tiền mặt hoặc chứng khoán, mà bạn bắt buộc phải giữ trong tài khoản). Khi điều này xảy ra, nhà môi giới sẽ thực hiện một cuộc gọi ký quỹ – margin call.

Cuộc gọi ký quỹ là gì?

Margin call là gì? Một cuộc gọi ký quỹ là nhà môi giới của bạn về cơ bản yêu cầu hoặc “gọi vào” một phần khoản vay của bạn. Một cuộc gọi ký quỹ yêu cầu thêm tiền vào tài khoản của bạn để tăng số dư tài khoản lên trên mức yêu cầu tối thiểu.

Nếu không thể đáp ứng kịp thời cuộc gọi ký quỹ, nhà môi giới của bạn có quyền bán một số chứng khoán của bạn để đưa tài khoản của bạn trở lại mức ký quỹ tối thiểu. Hơn nữa, nhà môi giới của bạn không cần sự đồng ý của bạn để thanh khoản “hàng” của bạn. Trên thực tế, họ có thể làm điều đó mà không cần thực hiện bất kỳ “một cuộc gọi” nào trước đó.

Người mới có nên giao dịch ký quỹ không?

Giao dịch cổ phiếu ký quỹ không dành cho các nhà đầu tư mới. Điều quan trọng là phải hiểu các rủi ro mà margin trade đem tới, và khoản vay ký quỹ không được vượt quá khả năng hoàn trả của nhà đầu tư. Nói cách khác, không vay ký quỹ vượt quá khả năng tài chính của bản thân.

Các thị trường tài chính nào có giao dịch ký quỹ?

Ngoài thị trường chứng khoán, các thị trường phái sinh khác cho phép giao dịch ký quỹ gồm có thị trường ngoại hối (Forex)thị trường tiền điện tử (cryptocurrency). Thị trường tiền điện tử hiện nay mức margin của các nền trảng giao dịch có thể lên tới 125%. Còn đòn bẩy của các nhà môi giới Forex thì có thể lên tới 1:500, 1:1000 hoặc đòn bẩy vô cực. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho khách hàng, các khu vực tài chính chính yếu như Mỹ hay Châu Âu chỉ cho phép đòn bẩy tối đa 1:25 mà thôi.

Theo BI & Investopedia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *