9 kiểu lừa đảo tiền điện tử

Vào tháng 2/2022, sàn giao dịch tiền điện tử Wormhole đã bị mất 320 triệu USD sau một cuộc tấn công mạng. Bên cạnh cuộc tấn công này, những kẻ lừa đảo crypto đã đánh cắp hơn 1 tỷ USD kể từ năm 2021, theo một báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.

Tiền kỹ thuật số là một dạng tiền tệ được lưu trữ trong ví kỹ thuật số và người sở hữu có thể biến tiền tệ thành tiền mặt bằng cách chuyển vào tài khoản ngân hàng. Tiền điện tử (cryptocurrency), chẳng hạn như Bitcoin hay Ethereum, khác với tiền kỹ thuật số. Chúng sử dụng chuỗi khối (blockchain) để xác minh phi tập trung mà không cần qua qua các tổ chức tài chính trung gian, do đó, việc khôi phục sau khi bị trộm cắp, scam sẽ khó khăn hơn.

Mặc dù tiền điện tử là một xu hướng mới mẻ, nhưng các phương thức lừa đảo mà các scammer sử dụng thì vẫn cũ kĩ như bao thế kỷ qua. Dưới đây là một số trò gian lận lừa đảo tiền điện tử phổ biến mà chúng ta nên biết để đề phòng. Dù sao, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh!

Các đề án đầu tư bằng Bitcoin

Bọn lừa đảo sẽ liên hệ với các nhà đầu tư và tự xưng là “nhà quản lý đầu tư” dày dạn kinh nghiệm. Những kẻ được gọi là “nhà quản lý đầu tư” này thường tuyên bố đã kiếm được hàng triệu USD đầu tư vào tiền điện tử và hứa với các nạn nhân của chúng rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền nhờ các khoản đầu tư.

Để bắt đầu, những kẻ lừa đảo yêu cầu con mồi trả trước một khoản phí. Sau đó, thay vì kiếm tiền, chúng chỉ đơn giản là ẵm khoản phí đó và lượn mất hút. Chúng cũng có thể yêu cầu thông tin nhận dạng cá nhân, bảo là để chuyển hoặc gửi tiền và vì vậy chúng có thể có quyền truy cập vào nơi lưu trữ tiền điện tử của nạn nhân.

Một loại lừa đảo đầu tư tiền điện tử khác là giả mạo làm người nổi tiếng. Những kẻ lừa đảo chụp ảnh thật và đăng chúng vào các tài khoản, quảng cáo hoặc những bài báo giả mạo để khiến chúng trông như thể người nổi tiếng đang thúc đẩy một khoản lợi tài chính lớn từ đề án đầu tư. Các nguồn cho những tuyên bố này dường như là hợp pháp, sử dụng tên công ty có uy tín với trang web và logo rất chuyên nghiệp. Tất nhiên, toàn là hàng pha-ke cả.

Rug Pull Scam – lừa xong phắn

Rug Pull Scam là gì? Lừa đảo dạng Rug Pull chỉ những kẻ lừa đảo đầu tư “bơm” một dự án mới (một token NFT hoặc đồng coin mới) để nhận được tiền tài trợ. Sau khi lấy được tiền, chúng biến mất cùng với dự án. Việc giao dịch hay chuyển tiền điện tử như Bitcoin hay ETH được xác nhận qua blockhain và không thể vãn hồi, vì vậy các nhà đầu tư sẽ bị mất tiền mà không thể lấy lại, không nhận được gì hoặc nhận được một đống token vô giá trị.

Squid Coin – Rug Pull Scam

Một ví dụ nổi bật của kiểu lừa đảo Rug Pull là vụ Squid coin scam đình đám, được đặt theo tên của sê-ri phim Netflix nổi tiếng Squid Game. Các nhà đầu tư phải chơi để kiếm tiền điện tử: Người chơi sẽ mua token cho các trò chơi trực tuyến và kiếm được nhiều tiền hơn sau đó để đổi lấy các loại tiền điện tử khác. Giá của token Squid đã từ giá trị 1 USD lên khoảng 90 USD / 1 đồng.

Cuối cùng, giao dịch ngừng lại và số tiền biến mất. Giá trị token này sau đó giảm đến 0 và nhiều người đã mất số tiền đầu tư lớn vì không thể bán được chúng dù đã cố gắng. Những kẻ lừa đảo đã kiếm được khoảng 3 triệu USD từ những con mồi này.

Lừa đảo Rug Pull Scam cũng phổ biến đối với NFT, là một loại tài sản không thể thay thế bằng công nghệ blockchain.

Romance Scam – Lừa đảo tình cảm

Ứng dụng hẹn hò không còn xa lạ ngày nay và chúng cũng là đích ngắm của bè lũ lừa đảo tiền điện tử. Những “kẻ lừa đảo ái tình” này lợi dụng các mối quan hệ tình cảm – thường là thông qua mạng xã hội hay những nền tảng hẹn hò trực tuyến. Những kẻ lừa đảo tán tỉnh và tạo ra những mối quan hệ yêu đương lâu dài, rồi tìm cách dụ dỗ, yêu cầu đối phương chuyển tiền điện tử cho chúng.

Sau khi lấy được tiền, “người tình ảo” đột nhiên biến mất, để lại nỗi đau khổ vì cả “tình và tiền” cho nạn nhân.

Romance Scam – Ảnh: Internet

Lừa đảo Phishing

Phishing scam đã xuất hiện từ lâu trên internet nhưng vẫn còn rất phổ biến. Những kẻ lừa đảo gửi email có đường dẫn độc hại đến một trang web giả mạo để thu thập thông tin cá nhân, chẳng hạn như thông tin mã khóa ví tiền điện tử của nạn nhân.

Không giống như mật khẩu, nhiều loại ví tiền điện tử chỉ có mã khoá duy nhất và khó hoặc không thể thay đổi. Và nếu khóa riêng này bị đánh cắp, việc thay đổi khóa này sẽ rất phiền phức. Mỗi khóa là duy nhất cho một ví; vì vậy, để cập nhật khóa này, người đó cần tạo một ví mới.

Để tránh bị lừa đảo với các trang web hay phần mềm giả mạo, đừng bao giờ nhấp vào một liên kết trong email. Luôn truy cập trực tiếp vào trang web bằng cách tự gõ chúng vào trình duyệt, hoặc lưu lại bookmark dấu trang để lần sau truy cập.

Tấn công man-in-the-middle

Khi người dùng đăng nhập vào tài khoản tiền điện tử ở một địa điểm công cộng, những kẻ lừa đảo có thể lấy cắp thông tin bảo mật, riêng tư của họ. Chúng có thể chặn và đánh cắp bất kỳ thông tin nào được gửi qua mạng công cộng, bao gồm mật khẩu, khóa ví tiền điện tử và thông tin tài khoản.

Bất cứ khi nào người dùng đăng nhập, kẻ trộm có thể thu thập thông tin nhạy cảm này bằng cách sử dụng phương pháp tấn công man-in-the-middle (người đứng giữa). Đối với một mạng internet nằm trong tay kẻ xấu, không có gì khó khăn để bóc tách và đánh cắp những thông tin mà chúng ta đăng nhập và truy xuất thông qua mạng internet đó.

Cách tốt nhất để tránh bị tấn công dạng này là sử dụng mạng riêng ảo (VPN). VPN mã hóa tất cả dữ liệu được truyền đi, vì vậy kẻ trộm không thể truy cập thông tin cá nhân và ăn cắp tài sản tiền điện tử của bạn được.

Lừa đảo tặng tiền điện tử trên mạng xã hội

Có rất nhiều bài đăng lừa đảo trên các phương tiện truyền thông xã hội hứa hẹn tặng bitcoin hay những mã crypto khác. Thậm chí có nhiều tài khoản người nổi tiếng giả mạo quảng cáo quà tặng để thu hút mọi người tham gia.

Khi ai đó nhấp vào quà tặng, họ sẽ được đưa đến một trang web lừa đảo yêu cầu xác minh để nhận phần thưởng. Quá trình xác minh bao gồm thanh toán một khoản tiền để chứng minh tài khoản là hợp pháp.

Nạn nhân có thể mất khoản tiền xác minh này – hoặc tệ hơn, nhấp vào một liên kết độc hại và bị đánh cắp thông tin cá nhân và tiền điện tử của họ như dạng lừa đảo phishing ở trên.

Ponzi – lừa đảo đa cấp

Ponzi Scheme – Ảnh: Internet

Các chương trình Ponzi trả tiền cho các nhà đầu tư cũ bằng số tiền thu được từ những người mới. Để có được các nhà đầu tư mới, những kẻ lừa đảo sẽ thu hút bằng bitcoin hay một mã tiền điện tử nào đó. Đây là một vòng lặp vô hạn, vì không có khoản đầu tư hợp pháp nào; tất cả đều nhắm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư mới để kiếm tiền từ họ.

Sự hấp dẫn của hệ thống Ponzi là lời hứa về lợi nhuận khổng lồ với ít rủi ro. Tuy nhiên, lấy tiền người sau trả cho người trước thì không có gì đảm bảo một ngày đẹp trời hệ thống không sập và tiền của bạn bốc hơi theo hệ thống.

Sàn giao dịch tiền điện tử giả mạo

Những kẻ lừa đảo có thể thu hút các nhà đầu tư với những hứa hẹn về một sàn giao dịch tiền điện tử tuyệt vời – thậm chí có thể là được tặng tiền hay coin khi đăng ký. Nhưng trên thực tế, không có sàn nào cả và nhà đầu tư không biết đó là giả cho đến sau khi mất tiền đặt cọc. Mà bạn đã biết rồi, tiền điện tử một khi chuyển đi rất khó khả năng có thể lấy lại.

Hãy tìm hiểu kỹ các sàn giao dịch, và nên sử dụng các sàn giao dịch quen thuộc – chẳng hạn như Coinbase, Crypto.com, Binance – để tránh bị lừa bởi một sàn giả mạo. Thực hiện một số nghiên cứu và kiểm tra các trang web trong ngành để biết chi tiết về danh tiếng và tính hợp pháp của sàn giao dịch trước khi nhập bất kỳ thông tin cá nhân nào của bạn vào đó.

Lừa đảo tuyển dụng

Lừa đảo tuyển dụng tiền điện tử là gì? Những kẻ lừa đảo cũng sẽ mạo danh nhà tuyển dụng hoặc người tìm việc để lừa đảo những nạn nhân cả tin. Chúng vẽ ra một công việc thú vị nhưng yêu cầu phải thanh toán một khoản tiền điện tử để phuc vụ công tác đào tạo việc làm.

Ngoài ra còn có những trò lừa đảo khi thuê nhân công ở xa. Ví dụ, mốt số freelancer IT tự do của Triều Tiên đang cố gắng tận dụng các cơ hội việc làm từ xa bằng cách trình bày sơ yếu lý lịch ấn tượng và tuyên bố là người Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra cảnh báo về trò lừa đảo của Triều Tiên này nhắm vào các công ty tiền điện tử.

Lời kết

Lừa đảo có ở khắp mọi nơi, nhất là trên không gian mạng. Hãy trang bị kiến thức chống lừa đảo tiền điện tử cho chính mình, cảnh giác với những lời dụ dỗ ngọt ngào, nếu không bạn sẽ sập bẫy của bọn crypto scammer và tiền mất tật mang. Hãy luôn nhớ miếng phomat miễn phí chỉ có sẵn trong bẫy chuột mà thôi!

Theo Tech Target

One thought on “9 kiểu lừa đảo tiền điện tử

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *