7 kiểu lừa đảo Forex phổ biến

Forex là thị trường giao dịch có khối lượng cực lớn, do vậy các hình thức gian lận, lừa đảo, scam… forex cũng rất nhiều và ngày càng gia tăng.

Ngày nay, quảng cáo ngoại hối trên các phương tiện truyền thông xã hội thường đi kèm với hình ảnh của những chiếc xe hơi hoặc nhà sang trọng và một số kẻ lừa đảo thậm chí còn mạo danh người nổi tiếng hoặc “lên tích xanh” với mục đích biến những người theo dõi trên mạng xã hội thành con mồi.

Ai là những kẻ sẵn sàng đi lừa đảo ở thị trường forex? Có thể là những kẻ muốn ăn nhưng không muốn làm, không đủ kiên nhẫn để kiếm tiền từ giao dịch ngoại hối, thay vào đó chúng tìm cách đi lừa đảo. Tất nhiên cũng có những kẻ lừa đảo mà bản thân chúng lại rất thành thạo việc giao dịch.

Cơ quan FCA của Anh đã báo cáo rằng hơn 27 triệu bảng Anh là con số thống kê thiệt hại của những vụ lừa đảo forex và crypto trực tuyến trong năm 2018-2019.

Ở Mỹ và các nước Châu Âu hiện nay các nhà giao dịch cá nhân đã được đào tạo các kiến thức để tránh bị scam và chỉ giao dịch với các nhà môi giới uy tín, nhưng vẫn còn nhiều người, đặc biệt là ở Châu Á, Châu Phi rơi vào những trò lừa đảo mà nếu trang bị cho mình một ít kiến thức, bạn sẽ dễ dàng nhận biết và phòng tránh.

Đừng bị cuốn theo những lời hứa không có thật, bánh vẽ, trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về một số trò lừa đảo ngoại hối và cách phát hiện chúng.

Nhà môi giới hoặc sàn forex không được cấp phép

Giao dịch ngoại hối luôn được quản lý chặt chẽ bởi những cơ quan tài chính có thẩm quyền tại các khu vực tài chính. Anh Quốc có Cơ quan quản lý tài chính (FCA), Úc có Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC), Síp có Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Síp (CYSEC), FSCA ở Nam Phi, CMA ở Kenya…

Các cơ quan cấp phép Forex

Tuy nhiên, còn có nhiều khu vực và quốc gia chưa có quy định về giao dịch ngoại hối, do đó các nhà giao dịch cá nhân ở những nơi này hoàn toàn giao dịch với các nhà môi giới có giấy phép tới từ nước ngoài. Việt Nam cũng là một khu vực như vậy.

Mặc dù có một số sàn forex uy tín với thành tích được quản lý tốt ở nhiều khu vực, nhưng hầu hết các nhà môi giới ở những khu vực này không được quản lý bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào.

Các nhà môi giới không được cấp phép điều hành các công ty môi giới và cung cấp các nền tảng giao dịch, và nếu bạn nạp tiền vào đó thì khả năng cao sẽ không thể rút tiền ra hoặc bị gây nhiều khó khăn khi muốn rút tiền.

Để lựa chọn một nhà môi giới tốt, hãy vào website của cơ quan quản lý tại khu vực của nhà môi giới đó và kiểm tra giấy phép của họ. VonHoa cũng đã có bài viết hướng dẫn về chủ đề cách kiểm tra giấy phép sàn giao dịch forex.

Nếu giao dịch ngoại hối và CFD là bất hợp pháp ở quốc gia của bạn, thì bạn nên tránh giao dịch thông qua các nhà môi giới nước ngoài. Trong trường hợp bạn ở khu vực màu xám, tức là luật pháp thiếu quy định, nhưng không phải bất hợp pháp, và bạn vẫn muốn giao dịch, thì hãy lựa chọn một nhà môi giới uy tín với những giấy phép hàng đầu như FCA, ASIC, CYSEC.

Nói chung, luôn xác minh nhà môi giới trên trang web của Cơ quan quản lý để đảm bảo rằng họ được cấp phép và hợp pháp.

Lừa bán tín hiệu giao dịch

Kiểu lừa đảo bán tín hiệu giao dịch bằng ro-bot tự động báo điểm vào điểm chốt cũng khá phổ biến. Những loại robot ngoại hối này được sử dụng tốt hơn trong phân tích kỹ thuật để hỗ trợ xử lý nhanh một số khâu, nhưng bản thân chúng chưa đủ tin cậy để có thể dự báo thị trường.

Người bán có thể quảng cáo rằng tín hiệu của họ cung cấp tỷ lệ thành công 98% và yêu cầu nhà giao dịch trả phí. Sau khi thanh toán phí, nhà giao dịch bắt đầu nhận được thông báo qua email hoặc zalo, telegram… mỗi khi có tín hiệu mới và nhà giao dịch thực hiện giao dịch bằng cách sử dụng thông tin tín hiệu này.

Vấn đề thường xảy ra sau khi bạn đã nộp tiền, một vài thông báo tín hiệu được gửi tới email và sau đó kẻ lừa đảo cắt đứt liên lạc với nhà giao dịch. Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng các tín hiệu này hoạt động.

Loại lừa đảo này thường nhắm mục tiêu đến các nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm, những người đang nóng lòng muốn kiếm lợi nhuận và tìm kiếm một phương pháp kỹ thuật thụ động đảm bảo thành công.

Thao túng giá

Hầu hết các loại tài khoản tiêu chuẩn của các sàn forex (forex broker) thường có mức phí hoa hồng bằng 0, nhưng họ bù đắp bằng spread. Spread là chênh lệch giữa giá mua và giá bán của một cặp tỷ giá.

Thao túng giá – Ảnh: Internet

Các cặp tiền tệ chính như EUR/USD có mức spread chặt chẽ hơn vì chúng được giao dịch với khối lượng lớn trong khi các cặp tiền tệ của thị trường mới nổi có mức spread lớn hơn.

Khi giá bị thao túng, bạn sẽ thấy các cặp tiền tệ chính như EUR/USD cũng có mức spread giãn rất lớn.

Nhà môi giới có thể nói rằng mức spread của họ khi đó cao hơn sàn khác vì Ngân hàng cung cấp thanh khoản cho họ đang giao ca, hay một mớ các lý do khác. Tham khảo và so sánh mức spread ở các sàn forex khác tại cùng thời điểm là việc mà nhà giao dịch nên làm lúc này.

Nhà môi giới có thường xuyên thao túng giá không?

Khoảng thời gian giữa lúc bạn mở một vị thế giao dịch, tới khi giao dịch đó được khớp lệnh thì giá đã có thể thay đổi. Đó gọi là trượt giá.

Điều này có thể xảy ra do sự cố mạng làm chậm tốc độ thực hiện giao dịch và đôi khi đó chỉ là rủi ro mà nhà giao dịch gặp phải trong thị trường ngoại hối đầy biến động.

Sự trượt giá có quá thường xuyên không?

Một nhà môi giới ngoại hối lừa đảo có thể lợi dụng điều này và từ chối thực hiện lệnh đúng hạn cho đến khi tỷ giá hối đoái của một cặp tiền tệ giảm, do đó kích hoạt lệnh dừng lỗ của nhà giao dịch, lệnh này giờ đây trở thành lệnh thị trường và nhà giao dịch buộc phải cắt lỗ và bán bớt cặp tiền tệ ở mức giá khả dụng tiếp theo mà nhà môi giới mua với giá chiết khấu.

Để tránh điều này, một số nhà môi giới như thị trường CMC, cung cấp các lệnh cắt lỗ được đảm bảo (GSLO) mà một nhà giao dịch có thể mua với mức phí hoàn lại để phòng ngừa rủi ro trượt giá.

Bạn nên thường xuyên truy cập các website hay công cụ đánh giá để đọc đánh giá của người dùng về nhà môi giới hay sàn forex mà bạn đang giao dịch để xem có người dùng nào phàn nà về việc thao túng giá hoặc bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào không. Việcn ày nên được thực hiện thường xuyên.

HYIP: Đa cấp Ponzi & đồ án kim tự tháp

Các Chương trình Đầu tư Siêu lợi nhuận (HYIP) chẳng hạn như Ponzi tập hợp các nguồn lực từ những người cả tin để đầu tư vào giao dịch ngoại hối hoặc các thị trường khác với lời hứa lợi nhuận sẽ được chia cho tất cả những người đóng góp. Họ hoạt động giống như các quỹ, nơi vốn được thu thập để đầu tư thay mặt cho khách hàng.

Họ cũng hứa hẹn lợi nhuận rất cao và bắt đầu trả lợi tức đầu tư cho những người đóng góp ban đầu.

Các nạn nhân bị thu hút bởi mức lãi suất cao được lấy từ người đầu tư mới trả cho người đầu tư trước, và do đó tạo ra ảo tưởng rằng số tiền đó là hợp pháp. Khi các nhà đầu tư thấy khoản đầu tư của họ tăng lên, họ bị thuyết phục để đầu tư nhiều tiền hơn.

Sau khi tích lũy được số tiền khổng lồ từ các nạn nhân, các khoản thanh toán dừng lại và những kẻ quản lý hệ thống Ponzi đóng hệ thống và bỏ chạy.

Những trò lừa đảo ngoại hối như vậy rất phổ biến ở các nước châu Phi và châu Á. Ví dụ, có một vụ lừa đảo gần đây liên quan đến MBA Forex, chủ yếu nhắm vào các nhà đầu tư ở Nigeria.

Mô hình MLM Kim tự tháp – Ảnh: Internet

Lừa đảo ngoại hối theo mô hình kim tự tháp và tiếp thị đa cấp thường liên quan đến các công ty ngoại hối có nền tảng giao dịch. Họ cần thu hút thêm nhiều nhà giao dịch đến với nền tảng của họ, do đó, kỹ thuật kim tự tháp được sử dụng để khuyến khích các nhà giao dịch.

Trong mô hình này, người ở tuyến trên tuyển hai người sẽ ở tuyến dưới anh ta trên kim tự tháp. Hai người bên dưới anh ta cũng tiếp tục tuyển ba người và vì vậy kim tự tháp tiếp tục phát triển. Mô hình nhị phân cũng là một dạng của mô hình đa cấp kim tự tháp.

Đối với mỗi lần tuyển dụng, người đứng đầu được trả tiền hoa hồng. Bạn càng ở vị trí cao trên kim tự tháp, hoa hồng bạn được trả càng nhiều.

Bọn lừa đảo có thể sử dụng một kế hoạch như vậy để dụ các nạn nhân bảo trợ cho công ty của mình, bán các video, tín hiệu và tài liệu ngoại hối cho họ và sau đó biến mất cùng với số tiền của họ sau một thời gian.

Khi đầu tư bất kể thứ gì, hãy luôn tự hỏi, kiểm tra và xác nhận xem công ty mà bạn đang giao dịch có được cấp phép hoạt động tại quốc gia của bạn hay không. Họ có được quy định bởi các cơ quan quản lý về việc gọi vốn và sử dụng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không?

Hứa trả bonus, phần thưởng

Thị trường ngoại hối có thể rất biến động và có nguy cơ thua lỗ cao khi giao dịch ký quỹ. Đó là lý do tại sao các nhà môi giới được các cơ quan quản lý yêu cầu đưa ra các tuyên bố rủi ro trên trang web của họ để cảnh báo các nhà giao dịch tiềm năng về những nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi giao dịch forex và CFD.

Vì vậy, nếu một nhà môi giới tung ra khoản thưởng hứa hẹn như tiền thưởng Bonus 50 USD khi mở tài khoản, giao dịch không rủi ro hoặc lợi nhuận 80% khi mua các tín hiệu giao dịch…, thì có khả năng cao đó là một nhà môi giới forex lừa đảo.

Những lời hứa về phần thưởng này chỉ nhằm đánh lạc hướng nhà giao dịch khỏi việc thực hiện các đánh giá, thẩm định cần thiết. Hầu hết các cơ quan quản lý lớn không cho phép các nhà môi giới đưa ra bất kỳ ưu đãi nào.

Dịch vụ quản lý tài khoản giao dịch

Một nhà giao dịch ngoại hối thiếu kinh nghiệm hoặc quá bận rộn để giao dịch có thể mở tài khoản giao dịch và giao tài khoản đó cho người quản lý tài khoản chuyên nghiệp để thay mặt họ giao dịch. Tất nhiên bạn phải trả phí cho chuyên gia để được sử dụng dịch vụ này.

Bọn lừa đảo cũng đã lợi dụng điều này để đề nghị quản lý tài khoản cho các nhà giao dịch và lừa đảo họ. Chúng có thể thực hiện các giao dịch không mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng hoặc rút hết tiền của khách hàng.

Các nhà giao dịch nên điều tra lịch sử của người quản lý tài khoản để tìm hiểu tỷ lệ thành công của anh ta trong quá khứ và xem xét chiến lược quản lý rủi ro của họ, các khoản rút tiền trong quá khứ để kiểm tra mức độ hiệu quả của người quản lý quỹ.

Người quản lý tài khoản cũng phải được cấp phép hoạt động bởi các cơ quan pháp luật có liên quan.

Những chuyên gia trên mạng xã hội

Hầu hết các video ngoại hối có lượng xem cao trên mạng thường hiển thị Du thuyền, Ô tô sang trọng… và mục đích là làm cho người xem cảm thấy các diễn giả / chuyên gia đó có được tất cả những thứ xa xỉ đó từ lợi nhuận giao dịch ngoại hối.

Những người được gọi là chuyên gia này không nói về những mặt trái của giao dịch và chỉ tập trung vào những lợi ích. Một số trong số họ hoạt động hoặc làm việc cùng với các công ty môi giới không có giấy phép và cuối cùng là lừa đảo các nhà đầu tư.

Những video quảng cáo Forex hào nhoáng

Các cơ quan quản lý tài chính yêu cầu các nhà môi giới ngoại hối phải đưa ra các báo cáo rủi ro trên trang web của họ. Tuyên bố này nhấn mạnh những rủi ro mà một nhà giao dịch phải đối mặt khi giao dịch và một số cơ quan quản lý thậm chí còn đi một bước xa hơn khi yêu cầu các nhà môi giới công bố tỷ lệ người bị mất tiền khi giao dịch với họ. Bạn có thể tìm kiếm các cảnh báo rủi ro này ở phần cuối của website của nhà môi giới.

Các nhà quản lý thậm chí đã đưa ra những hạn chế đối với đòn bẩy mà các nhà môi giới CFD có thể cung cấp cho các nhà giao dịch.

Các chuyên gia truyền thông xã hội không tuân theo yêu cầu quy định này vì họ tuyên bố rằng các chương trình của họ hầu như không có rủi ro, mà điều đó tất nhiên là nói láo rồi. Nếu đó là sự thật, họ sẽ âm thầm mà kiếm tiền, kéo cả họ hàng vào kiếm tiền chứ không mang công thức đó ra chia sẻ đâu.

Đừng tin tưởng một cách mù quáng vào bất kỳ lời khuyên nào trên mạng xã hội. Rủi ro giao dịch ngoại hối rất khó quản lý và sử dụng ký quỹ để giao dịch là cực kỳ rủi ro.

Muốn trở thành một nhà giao dịch, ngoại trừ kiến thức về kinh tế, phân tích, quản lý vốn… bạn còn phải trang bị kiến thức để phòng tránh những kẻ lừa đảo forex đang rình rập đầy ngoài kia nữa.

#forexscam #luadaongoaihoi #forexluadao #sanforexluadao #nhamoigioiluadao #chuyengialuaga

Theo Finance Magnates

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *