Trendline: vẽ như nào cho đúng?

Cách vẽ trendline như nào cho đúng là câu hỏi mà nhiều anh em trader hay đặt ra, nhất là người mới. Có rất nhiều cách vẽ đường xu hướng trendline khác nhau dựa theo kinh nghiệm của mỗi nhà giao dịch. Câu hỏi đúng nên là vẽ trendline như nào cho hiệu quả và tăng độ chính xác của tín hiệu, điều đó quan trọng hơn đúng hay sai.

Trendline là gì?

Trendline là một đường nối các điểm chốt để đánh dấu một xu hướng. Với xu hướng tăng, đường trendline được vẽ với các điểm chốt đáy và ngược lại, với xu hướng giảm đường trendline được vẽ với các điểm chốt đỉnh.

Đường trendline là một công cụ rất hay để chúng ta giữ sự tập trung đi theo xu hướng hiện tại. Đây là một công cụ không thể thiếu đối với những trader theo trường phái price action – hành động giá.

Những thuật ngữ cần tìm hiểu trước khi vào việc với em “hot girl” trendline:

Điểm chốt sóng là gì?

Điểm chốt sóng là các điểm mà tại đó sóng đảo chiều. Điểm chốt sóng thị trường như là một vùng quan trọng mà giá thường phản ứng xoay quanh chúng không ít thì nhiều. Điểm chốt là nơi mà sóng tăng đảo chiều thành sóng giảm là điểm cao của sóng và ngược lại sóng giảm đảo chiều thành sóng tăng là điểm thấp của sóng.

Các điểm chốt sóng là điểm mà giá đảo chiều xu hướng của thị trường. Chúng không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng thể hiện sự thay đổi về cung cầu. Bên mua không thể đẩy thị trường lên cao hơn điểm sóng cao thậm chí là 1 pip. Điều đó xảy ra có nghĩa vào thời điểm đó không ai sẵn sàng mua ở vị trí mà người ta nghĩ nó đã quá cao khi ở mức giá tương đương đỉnh sóng trước đó. Bản thân chúng ta cũng thế, sẽ rất sợ khi mua ở vùng tương đương với đỉnh trước. Ngược lại với bên bán cũng tương tự.

Các loại điểm chốt

Có ba loại điểm chốt sóng:

  1. Điểm chốt cơ bản
  2. Điểm chốt thứ cấp
  3. Điểm chốt vững bền

Các loại điểm chốt trên được sắp xếp theo thứ tự độ mạnh tăng dần độ mạnh. Điểm chốt vững bền có sức mạnh cao nhất.

Hãy xem bảng mô tả các loại điểm chốt và cách xác định điểm chốt dưới đây:

Điểm chốtĐiểm chốt đỉnhĐiểm chốt đáy
Cơ bảnThấp hơn hoặc bằng điểm chốt trướcCao hơn hoặc bằng điểm chốt trước
Thứ cấpCao hơnThấp hơn
Vững bềnCao hơn và giá phá vỡ giá thấp nhất trong một xu hướng giảmThấp hơn và giá phá vỡ giá cao nhất trong một xu hướng tăng

Điểm chốt cơ bản

Điểm chốt cơ bản có thể là một đáy cao hơn hoặc một đỉnh thấp hơn. Vai trò của nó là cung cấp cho chúng ta ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cơ bản và giúp chúng ta nhận định hướng đi của thị trường.

Minh hoạ điểm chốt cơ bản

Điểm chốt thứ cấp

Điểm chốt thứ cấp là một cấp độ cao hơn điểm chốt cơ bản. Nó là những đỉnh cao hơn và đáy thấp hơn so với điểm chốt liền trước. Điểm chốt cơ bản hỗ trợ chúng ta xác định dòng chảy thị trường thì điểm chốt thứ cấp có thể coi là một phần củng cố thêm cho điểm chốt cơ bản. Chẳng hạn, khi xu hướng tăng thì các điểm chốt thứ cấp có đỉnh cao hơn điểm chốt cơ bản trước đó sẽ cho ta một sự củng cố xu hướng tăng vì tạo ra một đỉnh mới.

Minh hoạ điểm chốt thứ cấp

Mỗi điểm chốt thứ cấp đánh dấu một sự phá vỡ mới, nó hình thành nên đỉnh cao hơn đỉnh trước hoặc đáy thấp hơn đáy trước. Vì thế mà dựa vào tính chất của sự phá vỡ đó (thành công hay không, mạnh hay yếu…) chúng ta có thể nhận định được xung lượng (momentum) của thị trường. Để nhận định về xung lượng của giá, chúng ta cần chú ý đến ba khía cạnh sau của mỗi điểm chốt thứ cấp.

  1. Giá đi bao xa so với điểm phá vỡ rồi quay đầu?
  2. Giá đóng cửa trên hay dưới điểm phá vỡ?
  3. Giá có vượt qua hoàn toàn so với điểm chốt trước hay không? (Hình thành cây nến nằm hoàn toàn trên (dưới) điểm chốt đỉnh (đáy) trước hay không?

Lưu ý:

  • Để giá phá vỡ lên trên rõ ràng, thị trường phải hình thành ít nhất một cây nến nằm hoàn toàn trên mức giá đó.
  • Để giá phá vỡ xuống dưới rõ ràng, thị trường phải hình thành ít nhất một cây nến nằm hoàn toàn dưới mức giá đó.

Điểm chốt vững bền

Điểm chốt vững bền là một dạng đặc biệt của điểm chốt thứ cấp. Nó là điểm chốt có sức ảnh hưởng và độ mạnh lớn nhất trong cấu trúc thị trường. Nó như một cái khóa, một cái chốt cửa vậy, muốn phá vỡ nó rất khó khăn. Trong một trend chính luôn có những sự hồi về, một số cú hồi thường ngắn và tồn tại trong một sóng duy nhất. Những cú hồi về nhỏ như vậy tạo ra điểm chốt cơ bản.

Tuy nhiên sẽ có một vài sóng hồi về sâu hơn một chút để tạo đỉnh cao hơn hoặc đáy thấp hơn, như thế sẽ hình thành điểm chốt thứ cấp. Và cuối cùng những cú hồi sâu tạo thành điểm chốt thứ cấp đó đảo chiều quay lại xu hướng chính. Điểm dừng (đỉnh hoặc đáy)của tất cả những cú hồi đó gọi là điểm chốt vững bền.

Minh hoạ sự hình thành điểm chốt vững bền

Tác dụng của trendline là gì?

Trendline giúp cho trader kiên trì với xu hướng hiện tại của thị trường trước khi nó bị phá vỡ. Trendline có vai trò như là một công cụ để tập hợp các điểm chốt lại thành một thể thống nhất và khuếch đại sự ảnh hưởng của các điểm chốt vững bền trong một xu hướng thị trường

Trendline hoạt động như một ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của thị trường. Một số giao dịch tốt nhất được dựa vào sự phản ứng với trendline. Và hơn nữa, độ dốc của trendline nói cho chúng ta biết về xung lượng của thị trường. Một trendline quá dốc sẽ vô cùng dễ bị phá vỡ còn nếu nó nằm gần như theo phương ngang thì thị trường đang trong thời điểm sideway (giằng co).

Trendline bị phá vỡ là dấu hiệu của sự đảo chiều

Cách vẽ trendline

Quy tắc vẽ trendline

  • Vẽ một trendline mới bằng cách nối điểm bắt đầu với một điểm chốt vững bền. Có nghĩa là chúng ta không thể vẽ một trendline mới mà không có điểm chốt vững bền.
  • Điều chỉnh trendline qua mỗi điểm chốt vững bền mới.
  • Điều chỉnh trendline phải chứa đựng toàn bộ hành động giá.
  • Không để nhiều hơn hai cặp trendline trên biểu đồ của bạn.

Đường trendline mới

Nếu bạn đã xác định được điểm chốt vững bền thì việc vẽ một trendline mới là vô cùng đơn giản. Chúng ta chỉ cần nối các điểm chốt vững bền với nhau.

Chúng ta không nên nối các điểm chốt một cách bừa bãi mà hãy tập trung vào các điểm chốt quan trọng nhất đó là các điểm chốt vững bền và bỏ qua các điểm chốt cơ bản và thứ cấp.

Mục đích cuối cùng của việc vẽ trendline là đánh dấu ra một xu hướng và điểm chốt phục vụ tốt nhất cho mục đích của chúng ta đó là điểm chốt vững bền.

Trong xu hướng tăng, để vẽ một trendline mới chúng ta nối điểm bắt đầu với điểm chốt đáy vững bền mới hình thành. Ngược lại, trong xu hướng giảm
chúng ta nối điểm bắt đầu với điểm chốt đỉnh vững bền mới hình thành.

  1. Điểm bắt đầu xu hướng tăng.
  2. Đỉnh cao nhất mới hình thành.
  3. Điểm chốt đáy vững bền khi giá vượt qua 2.

Đường trendline mới được vẽ nối hai điểm 1 và 3.

Hình thành điểm chốt vững bền mới

Sau khi chúng ta đã vẽ một đường trendline mới với điểm bắt đầu và điểm chốt vững bền đầu tiên. Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu thị trường hình thành một điểm chốt vững bền tiếp theo? Câu trả lời là chúng ta phải điều chỉnh trendline.

Trendline khi hình thành điểm chốt vững bền mới

Khi giá hình thành điểm chốt cơ bản thì chúng ta chưa điều chỉnh trendline mà phải đợi cho điểm chốt vững bền C hình thành. Sau đó nối B và C để được đường trendline điều chỉnh.

Đường trendline phải chứa toàn bộ hành động giá

Một đường trendline phải luôn chứa toàn bộ hành động giá xảy ra trong xu hướng hiện tại. Điều đó có nghĩa rằng đường trendline tăng phải nằm dưới toàn bộ các hành động giá trước đó mà đã tạo ra mức giá cao mới. Ngược lại, đường trendline giảm phải nằm trên toàn bộ các hành động giá trước đó mà đã tạo ra mức giá thấp mới.

Do vậy, nếu giá phá vỡ đường trendline trước khi quay trở lại xu hướng ban đầu thì chúng ta sẽ phải điều chỉnh đường trendline nếu như giá tạo mức cao mới (trend tăng) hoặc mức giá thấp mới (trend giảm), không quan trọng đó là điểm chốt vững bền hay cơ bản.

Điều chỉnh trendline khi giá tạo mức cao hơn

Khi nào dừng điều chỉnh đường trendline?

Chúng ta điều chỉnh trendline nhằm giữ cho các hành động giá hiện tại theo một xu hướng thống nhất. Nhưng một trendline không thể tồn tại mãi. Thị trường luôn có xu hướng giảm, tăng hoặc không có xu hướng. Do đó chúng ta đặt câu hỏi là khi nào có thể dừng điều chỉnh một trendline.

Chúng ta cần hai điểm để vẽ trendline. Nếu giá đi xuống dưới điểm bắt đầu của một trendline tăng thì rõ ràng chúng ta sẽ ngừng điều chỉnh. Ngược lại với trend giảm, khi giá tăng vượt qua điểm bắt đầu của trendline thì chúng ta cũng ngừng điều chỉnh.

Ngừng điều chỉnh trend tăng

Đừng vẽ quá nhiều trendline

Theo thời gian, bạn có thể chồng chất lại rất nhiều đường trendline trên đồ thị giá mà bạn giao dịch. Nếu bạn không xóa bỏ đi những trendline không còn hữu ích cho việc phân tích nữa thì chắc chắn, đồ thị trước mặt bạn là một thảm họa với các đường trendline.

Để tránh sự xuất hiện của mớ hỗn độn trendline, hãy giữ không quá hai cặp đường trendline (hai tăng, hai giảm) trên biểu đồ giá của bạn.

Phân tích với trendline

Các quy tắc cơ bản khi phân tích với đường trendine:

  • Trendline dốc lên thể hiện xu hướng tăng.
  • Trendline dốc xuống thể hiện xu hướng giảm.
  • Trendline hoạt động như một mức hỗ trợ và kháng cự.
  • Trendline bị phá vỡ không có nghĩa thị trường đã đảo chiều.

Kết luận

Đọc tới đây bạn vẫn còn thấy rất mông lung với trendline? Đừng lo! Đây là chỉ một phần trong Ebook Toàn tập xu hướng thị trường, hãy tải về Tài liệu xu hướng này để hiểu kĩ càng hơn về trendline là gì và chúng hỗ trợ giao dịch hành động giá như nào mới hiệu quả nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *