Gã khổng lồ Binance nỗ lực minh bạch hoá sau sự sụp đổ FTX
Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã gây ra những lời kêu gọi về tính minh bạch trong ngành. Đối với nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực tiền số, thì Binance vẫn là một hộp đen.
Sàn giao dịch tiền điện tử Binance xử lý nhiều giao dịch hơn hầu hết các đối thủ trên thị trường cộng lại, chiếm khoảng một nửa giao dịch tiền điện tử giao ngay và 2/3 giao dịch phái sinh, theo công ty nghiên cứu CryptoCompare.
Vai trò ngoại cỡ của nó đã được xem xét kỹ lưỡng hơn kể từ sự sụp đổ của FTX vào tháng 11. Tuần trước, chính quyền Mỹ đã cáo buộc người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried, bí mật chuyển tiền của khách hàng từ sàn giao dịch sang công ty thương mại liên kết của ông ta, là Alameda Research.
Cũng tương tự như FTX, Binance tiết lộ thông tin tài chính hết sức hạn chế. Binance không cho biết trụ sở công ty đặt ở đâu. Và người sáng lập Binance, Changpeng Zhao, liên kết với các nhà tạo lập thị trường cung cấp thanh khoản trên nền tảng của riêng mình, một thỏa thuận mà một số nhà quan sát thị trường cho rằng dẫn đến xung đột lợi ích tiềm ẩn.
Larry Harris, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Marshall của Đại học Nam California và cựu nhà kinh tế trưởng của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, nói: “Khi một doanh nghiệp không minh bạch và không được quản lý, chúng ta không thực sự biết về những gì đang xảy ra bên trong.
Càng khiến các nhà đầu tư lo lắng hơn đó là một công ty kiểm toán bên ngoài mà Binance mời đến để báo cáo về dự trữ của họ gần đây cho biết họ đang tạm dừng công việc của mình đối với các công ty tiền điện tử.
Patrick Hillmann, giám đốc chiến lược của Binance, cho biết Binance có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ được giám sát bởi bộ phận rủi ro toàn cầu. Ông cho biết sàn không giao dịch với người dùng. Ông nói thêm: “Mặc dù các công ty tư nhân không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính, nhưng Binance đang tăng cường tính minh bạch bằng cách đưa ra bằng chứng về các khoản dự trữ của mình.
“Chúng tôi đã khởi động lại quy trình và sẽ đưa ra thông báo bổ sung trong những tuần tới,” ông Hillmann nói thêm.
Binance đã luôn giữ bí mật thông tin sau khi được thành lập vào năm 2017. Trong những năm gần đây khi tiền điện tử bùng nổ, các nhà đầu tư thường ít chú ý đến cấu trúc công ty và quản trị trong ngành.
Nhưng sự thiếu minh bạch của Binance và cấu trúc hoạt động của sàn này đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các cơ quan quản lý.
Rất lâu trước khi FTX sụp đổ, Bộ Tư pháp Mỹ đã điều tra xem liệu Binance có tiếp tay cho hoạt động rửa tiền hay không và SEC đã yêu cầu danh sách thông tin từ chi nhánh của Binance tại Mỹ, bao gồm cả mối liên hệ của nó với tổ chức toàn cầu.
Trước đây, Binance đã nói rằng họ hợp tác với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ cần tuân thủ.
Ông Zhao, sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Canada, đã thành lập Binance ở Thượng Hải vào năm 2017. Sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm giao dịch tiền điện tử, nhóm đã chuyển đến Nhật Bản. Vào năm 2018, cơ quan quản lý tài chính của Nhật Bản đã cảnh báo công ty không được thực hiện các giao dịch cho người dân khi không có giấy phép. Sau đó, Binance ngừng tiết lộ địa chỉ trụ sở.
Binance phủ nhận việc tiếp tục tiến hành kinh doanh tại Trung Quốc sau lệnh cấm, nhưng các nhà phát triển có trụ sở tại Thượng Hải vẫn duy trì các chức năng phần mềm chính tại chi nhánh Mỹ, Binance.US, kể từ mùa hè năm ngoái, như The Wall Street Journal đã đưa tin trước đó. Nó khiến các giám đốc điều hành của Binance.US lo lắng rằng chính phủ Mỹ có thể gặp vấn đề với việc chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu khách hàng.
Binance.US đã nói với Tạp chí vào thời điểm đó rằng sàn giao dịch có khả năng bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ và dữ liệu của khách hàng Mỹ được lưu trữ trên các máy chủ tại quốc gia này.
“Binance không hoạt động ở Trung Quốc và chúng tôi cũng không có bất kỳ công nghệ nào, kể cả máy chủ hoặc dữ liệu tại Trung Quốc,” ông Hillmann nói.
Trong khi sự sụp đổ của FTX đã lan rộng khắp cộng đồng tiền điện tử, tạo ra tổn thất cho các công ty khác và làm giảm giá trị của các mã crypto, thì tầm quan trọng của Binance trong ngành lại to lớn hơn nhiều so với FTX. Sàn này là đối tác lớn của các tổ chức và thương nhân trong lĩnh vực tiền điện tử phương Tây, đồng thời là nền tảng chính cho người dùng ở nhiều khu vực kinh tế đang phát triển khác lưu trữ tài sản crypto.
Noelle Acheson, một chiến lược gia vĩ mô về tiền điện tử cho biết: “Mọi người trên khắp thế giới đều đang để tiền trên Binance”.
Tâm điểm của sự sụp đổ của FTX là công ty cung cấp thanh khoản và giao dịch thuộc sở hữu của ông Bankman-Fried, Alameda Research. Chính quyền Mỹ đã cáo buộc mối quan hệ đó mang lại cho Alameda các đặc quyền giao dịch – cho phép họ khai thác tiền của khách hàng FTX cho các mục đích riêng của mình.
SEC đang kiểm tra mối quan hệ giữa Binance.US và hai công ty thương mại có quan hệ với ông Zhao, như TWSJ đã đưa tin trước đó. Các công ty đóng vai trò là nhà cung cấp thanh khoản cho nền tảng và trong khi Binance cho biết trên trang web của họ ở Mỹ rằng các nhà tạo lập thị trường liên kết có thể giao dịch trên sàn, thì họ không nêu tên công ty nào được phép.
Ông Zhao thừa nhận ông là nhà đầu tư và cổ đông của một trong những nhà tạo lập thị trường của Binance. Nhưng ông ta nói rằng mục đích duy nhất của việc này là cung cấp tính thanh khoản và nó không tạo ra lợi nhuận. Ông Zhao nói: “Chúng tôi không cố gắng kiếm tiền từ việc giao dịch của chính mình”.
Sau khi FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Binance tuyên bố sẽ cho những khách hàng đang lo lắng về tiền của họ thấy rằng tài sản crypto của họ được lưu trữ an toàn. Mặc dù các giao dịch tiền điện tử được công khai thông qua chuỗi khối, nhưng chúng trở nên riêng tư sau khi tham gia sàn giao dịch. Binance đã công bố số liệu về bitcoin, nhưng trước khi con số được công bố ra, Mazars, công ty kiểm toán của Binance, đã đình chỉ công việc đối với Binance và các sàn giao dịch khác.
Ông Zhao nói rằng không giống như FTX, sàn giao dịch của ông không vay và không phát sinh nợ. Ông cũng nói rằng nó có lợi nhuận. Nhưng công ty đã không công bố bất kỳ báo cáo tài chính nào. Tuần trước, Binance đã bị thiệt hại 6 tỷ USD khi các khách hàng lo lắng chuyển tài sản của họ sang nơi khác.
Các cơ quan quản lý quốc tế đã đưa ra một loạt cảnh báo về việc hoạt động ở các quốc gia không có giấy phép. Những lời cảnh báo đã thúc đẩy ông Zhao, người từng coi các văn phòng là lỗi thời, thành lập một số văn phòng và đăng ký ở một số quốc gia. Công ty cũng cho biết họ đang tiến hành tái cấu trúc “để cung cấp cho các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về tổ chức của chúng tôi”.
Trong khi đó, người dùng không thể chắc chắn chính xác họ đang tiến hành kinh doanh với ai. Mặc dù Binance tại một số thời điểm đã liệt kê công ty mẹ của mình là Binance Holdings Ltd., được thành lập tại Quần đảo Cayman, Binance cho biết họ chưa bao giờ vận hành một sàn giao dịch từ đây. Kể từ thứ Hai, các trang web của Binance tại Úc và New Zealand đã lưu ý rằng “Binance là nhãn hiệu đã đăng ký của Binance Holdings Ltd”.
“Việc đăng ký nhãn hiệu dưới tên một công ty cụ thể không có nghĩa đó là công ty mẹ hay sàn giao dịch,” ông Hillmann nói, đồng thời cho biết thêm rằng Binance hoạt động thông qua một số thực thể được thành lập trên nhiều khu vực pháp lý khác nhau.
Theo Tạp chí The Wall Street