Những mơ mộng và sai lầm của tuổi 20 – P1

1. Bạn có thể ngồi nhà hay lê la các quán cà phê chứng khoán (giờ là các room chứng khoán trên Telegram chẳng hạn) và hi vọng thật sự hiểu rõ về một công ty

Với đa phần người sinh ra không gốc gác, không có gì nổi trội (như mình), ở tuổi 20 chỉ là lính lác chạy vòng gửi xe. Ở cái vị thế đó, không có mấy người thật sự muốn chia sẻ cho bạn những thông tin thật sự quan trọng. Họ chỉ tung ra những gì mà họ muốn số đông tin và biết. Những cái đó là thật hay ảo chỉ có họ biết, và tùy ý họ chơi. Không phải cái nào cũng sai, nhưng bạn đang bị họ dắt đi theo ý họ.

2. Bạn nghĩ bạn có một tí cơ hội gặp và nói chuyện với những tay chơi lớn nhất như HĐQT của một công ty niêm yết thì bạn có thể thắng

Ở tuổi khoảng 22, mình được vài lần ngồi nói chuyện trực tiếp với hội đồng quản trị công ty, nhờ theo các sếp đi họp HĐQT các công ty khác, ngồi chung bàn ăn và rồi đầu tư theo họ nói mà vẫn lầm. Sau này già rồi ngồi HĐQT (của công ty hạt mè ở Anh và Singapore) với làm advisor (cố vấn) thì mình hiểu vì sao hồi xưa mình có a-lô model ngon vậy mà vẫn lầm. Tính toán của người ta, hứa hẹn, kế hoạch luôn có biến số. Những người ngày ngày gặp, nói chuyện, ăn uống với bạn mà bạn còn có thể lầm, không biết người ta muốn gì thật sự thì huống gì là người mà bạn gặp vài lần, nói dăm ba câu với bạn. Nhiều CTCK cũng bàn tính với HĐQT xong về đánh đấm theo, có nhiều lúc cùng chìm xuồng cả vì người ta đổi ý mấy hồi. Mình thấy có mấy lần người ta đã tính toán lật kèo với người khác ngay trên một bàn ăn.

3. Bạn nghĩ một phương pháp phân tích nào đó bạn học được bài bản sẽ luôn đúng

Và do đó bạn coi thường cách làm của người khác, mà bạn cho là ít bài bản hơn (cái này là bịnh của mấy ông học CFA hay Master Finance mình hay thấy). Các nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí nghiên cứu hàng đầu quan sát dữ liệu từ 1970s đến nay cho thấy cả phân tích kỹ thuật va phân tích cơ bản đều có thể hữu dụng, nhưng… tùy điều kiện thị trường. GS Andrew Lo của MIT đề xuất ra một lý thuyết là Adaptive Market Hypothesis, nghĩa là thị trường sẽ linh hoạt co giãn và điều chỉnh, lúc thì hiệu quả, lúc thì không. Tùy vào đặc tính đó, lúc thì phân tích kỹ thuật có thể phát huy, lúc thì phân tích cơ bản sẽ tốt.

Quan trọng hơn, phương pháp là một chuyện, áp dụng là một chuyện khác. Một ví dụ nho nhỏ vui là mình từng làm thử một thí nghiệm trong lớp học ở Anh về định giá Twitter. Sau khi mình “show” ra những thông tin trên website của Damodaran để định giá Twitter, thì 23 bạn sinh viên cho được hơn 10 kết quả định giá khác nhau.

Mà cái này thông tin đầu vào là lấy từ một nguồn rồi. Nếu đưa nguyên toàn bộ thông tin và báo cáo công ty cho sinh viên tự thu thập dữ liệu, chắc số kết quả khác nhau sẽ còn nhiều hơn vì có những con số trong mô hình định giá thì tùy quan điểm xử lý của người làm.

Và để bạn hình dung thì cái chart bên dưới cho bạn biết trong 35 ông chuyên gia phân tích nhận nhiều tiền của các ngân hàng đầu tư thì các ông khác quan điểm về giá trị của một cổ phiếu là Tesla quá chừng. (tới 23 ông từ dòng Hold trở xuống).

Và giữa high với low rõ ràng là bầu trời và vực thẳm. Từ Median tới High cũng là mặt đất và bầu trời. Cho nên đừng quá tự tin vào những gì mình cho là làm bài bản tính ra được.

4. Sợ mất cơ hội

Cái sai lầm này thì mình mắc rất nhiều lần, mà anh em hay gọi là FOMO với đu đỉnh. Lần đầu tiên mình học bài học này là với cổ phiếu SAM, sau đó là Bông Bạch Tuyết. Tuổi nhỏ dại khờ. Chỉ có đu đỉnh không sai là Vinamilk thần thánh. Nói chung là khi mình nhỏ, mới ra trường, thấy cổ phiếu tăng ầm ầm thì mình nghĩ đơn giản kiểu giờ cổ phiếu ra ầm ầm, IPO mà không ráng liều thì mai mốt làm sao có cơ hội. Cuối cùng thì mình cũng may là mấy đợt IPO bank như Exim, Sacom với mấy đợt lên của FPT cũng kiếm được tiền, nhưng mà cúng lại cho SAM với Bông Bạch Tuyết cũng không ít.

FOMO – Ảnh: Internet

Cũng may là 2007 mình bán cổ phiếu trước khi đi học thạc sĩ, với lại vẽ vẽ thấy cái hình cũng ghê ghê nên không làm cổ đông dài hạn khi cổ phiếu về đáy lịch sử. Sau này những đợt kiếm tiền từ 2010 dạy cho mình bài học bình quân cứ 3 năm là có 1 năm kiếm ngon lành, ngoại trừ 2021 và từ tháng 6/2020 là cực kỳ ngon lành. Vì vậy bạn không bao giờ cần FOMO. Cơ hội luôn luôn có. Người đã từng đi qua nhiều cơ hội và từng kiếm được tiền ở một vài cơ hội sẽ bớt FOMO. Nhưng phải đã từng đu đỉnh FOMO mới biết sợ. Mình tuổi nhỏ cũng như ai thôi, không có khôn hơn ai cả. Rồi thời của từng người sẽ tới, đừng sợ lỡ tàu. Bỏ lỡ Microsoft, Apple thì còn Tesla. Sau Tesla là gì thì mình không biết.

5. Đi cãi nhau với người không cùng quan điểm với mình về đầu tư

Nó không giúp được cái gì cả, vì cả 2 quan điểm khác nhau có thể không bao giờ có thể gặp được nhau. Cái này nghiên cứu tâm lý học và kinh tế học đã có thực nghiệm. Và Daron Acemoglu, ứng viên hàng đầu trong danh sách chờ đoạt giải Nobel Kinh tế và tác giả của sách Why Nations Fail, có một mô hình toán chứng minh bằng toán học là khi định kiến ban đầu thỏa mãn một điều kiện nào đó, 2 người sẽ không bao giờ có thể đồng ý với nhau. Vì vậy không nên “cãi nhau”. Nó chỉ làm bạn mất thời gian, năng lượng, tâm trí. Chúng ta chỉ nên thừa nhận rằng chúng ta khác quan điểm (agree to disagree).

Có điều chúng ta 20 tuổi chúng ta thường thích được thừa nhận mình đúng và rất khó nhận mình sai. Trẻ trâu mà. Giờ mình ít khi nào đi cãi nhau. Rảnh đi ngủ sướng hơn.

6. Nghĩ mình biết rất nhiều thứ

Khi mình 20 tuổi, mình đọc gần hết sách trong cái thư viện nhỏ trên lầu 2 của Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Tri Phương, và xin qua được bên chương trình Fulbright để đọc ké sách tiếng Anh. Mình nghĩ là mình rất giỏi.

Khi mình 23 tuổi, vừa đi dạy ở đại học, vừa đi làm bán thời gian ở CTCK, vừa tự quản lý quỹ riêng cho một nhóm bạn, và kiếm được kha khá tiền, mình nghĩ mình hiểu về thị trường. Đến khi mình đi Úc học thạc sĩ và đi làm thêm ở một quỹ đầu tư ở Úc trong một thời gian ngắn, mình phát hiện mình không biết cái gì cả. Đứa cũng đi làm chung dạng intern với mình lúc đó là thằng CIO cái quỹ ở Úc hiện tại đang mướn mình ngồi chém gió.

Khi mình sang Anh học tiến sĩ, mình nghĩ là mình biết một chút gì đó từ những gì mình học được ở Úc từ trường đại học và cái quỹ kia. Mình gặp một bạn người Pakistan làm ở NHTW Pakistan và làm 1 năm risk management ở London, đi học chung PhD. Mình lại hiểu được là mình không biết cái gì cả.

7. Mình kiếm được tiền, đầu tư trúng là do mình giỏi, hiểu biết

Như mình nói ở trên, hóa ra trong gần 10 năm, những gì cho là mình biết là do mình tự nghĩ mình biết thôi, chứ thật ra là mình biết sai rất nhiều thứ. Đọc vài cuốn sách, làm vài công việc rồi tự nghĩ là mình đã biết rồi.Ở đáy giếng thì tự thấy bầu trời bé tí ấy mà.

Nhưng thời điểm đó mình lại kiếm được tiền (tất nhiên cũng có mất, nhưng bình quân là kiếm được). Có thể là do may mắn, hoặc có lẽ là do mình đầu tư vào đúng trend mà nhiều người không biết như mình cũng quăng tiền vào đó. Và cũng có quí nhân chỉ đường cho đi nữa.Vì vậy đừng lấy hiệu suất đầu tư ra để làm tiêu chuẩn cho rằng mình biết cái gì đó. Cái thú vị là trong đời chúng ta đôi khi chúng ta không biết là mình không biết. Có rất nhiều thứ như vậy (Tây gọi là unknown unknowns).

Cũng may trong những lúc thiếu hiểu biết đó mình không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Một ví dụ rõ ràng là hôm qua post đại cái kiếm quá trời view nhưng không biết là vì sao như vậy. Hồi mình còn trẻ mình sẽ cố lý giải là mình đã nghiên cứu các cách post của KOL khác, mình nắm bắt tâm lý, .v.v. Giờ mình đơn giản trả lời “hên thôi, chả biết sao nó vậy”.

Xem phần 2 tại đây: Những mơ mộng và sai lầm của tuổi 20 – P2

Đôi lời về tác giả Hồ Quốc Tuấn

Ông Hồ Quốc Tuấn hiện  Giảng viên cao cấp (Senior Lecturer), chuyên ngành Tài chính – Kế toán, Đại học Bristol, Anh. Trước khi tham gia giảng dạy ở Đại học Bristol, ông  Kinh tế gia trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012.

Nguồn: FB Hồ Quốc Tuấn

One thought on “Những mơ mộng và sai lầm của tuổi 20 – P1

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *