Các dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tài chính

Khủng hoảng tài chính là trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị của các tài sản tài chính, các tổ chức tài chính, và sự đổ vỡ của hệ thống tài chính. Dưới đây là những dấu hiệu cơ bản để nhận biết một cuộc khủng hoảng tài chính.

Tín dụng mở rộng quá mức và/hoặc giá tài sản tăng quá cao

Dấu hiệu này thường đi kèm với chính sách tiền tệ mở rộng, dòng vốn giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường qua hệ thống tài chính. Khi dòng vốn rẻ được cung ứng ồ ạt dẫn đến sự tăng nhanh bất thường của tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng tăng thường đi kèm với sự bùng nổ tăng trưởngkinh tế. Nhưng hệ lụy là dòng tiền không thể hấp thụ hết vào khu vực sản xuất sẽ chảy vào những khu vực có tỷ suất sinh lời cao và rủi ro cao như các thị trường tài sản (bất động sản, thị trường chứng khoán), nhiều trong số đó mang tính đầu cơ ngắn hạn, tạo bong bóng tài sản. Khủnghoảng sẽ xảy ra khi dòng vốn giá rẻ đột ngột đảo chiều, thị trường tài sản đổ vỡ (giảm giá mạnh, mất thanh khoản).

Hệ thống tài chính khó khăn

Hệ thống tài chính khó khăn hoặc mất khả năng cung cấp nguồn lực tài chính cho các khu vực khác của nền kinh tế. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống tài chính mất khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán hoặc mất mát niềm tin khiến tín dụng không thể cung ra thị trường. Dấu hiệu này thường rõ nét ngay trước khủng hoảng bùng nổ, cũng như trong và sau khủng hoảng.

Khủng hoảng Tài chính – Ảnh: Internet

Mất khả năng thanh toán khiến nợ xấu trở thành vấn đề trong các NHTM của các hệ thống tài chính. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản cho vay trong năm 2015 đã đạt 4.3%. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra, con số này chỉ là 4.2%.

Hỗ trợ của chính phủ ở quy mô lớn

Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ ở quy mô lớn có thể là hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn. Đặc trưng của các hệ thống tài chính là rủi ro lây nhiễm cao, niềm tin dễ dàng bị xói mòn khi thông tin bất cân xứng, có thể tạo nên tình trạng “hoảng loạn tập thể” gây đổ vỡ hệ thống. Bởi vậy, Chính phủ thường hỗ trợ thanh khoản, tái cấp vốn cho các định chế tài chính lớn đang gặp khó khăn hoặc rủi ro nếu sự đổ vỡ của các định chế đó ảnh hưởng xấu tới hệ thống. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù Chính phủ có hỗ trợ lớn nhưng đổ vỡ hệ thống vẫn diễn ra, tình trạng hỗn loạn vẫn trầm trọng do rủi ro lây nhiễm đã lan quá rộng, ngoài năng lực hỗ trợ của Chính phủ.

Chúng ta có thể thấy thực trạng này tại cuộc khủng hoảng gần đây nhất năm 2007-2008, Chính phủ Mỹ và Chính phủ của một số nền kinh tế khác đều thực hiện cứu trợ quy mô lớn nhưng vẫn không thể ngăn chặn đà tiến của cuộc khủng hoảng đó.

Các bất cân đối lớn trên bảng cân đối tài khoản

Các bất cân đối lớn trên bảng cân đối tài khoản, cụ thể là bất cân đối giữa NỢ và TÀI SẢN (của Chính phủ, công ty, hộ gia đình, NHTM…). Ví dụ, các khoản nợ quá lớn trên bảng cân đối tài sản của NHTM, nằm ngoài khả năng kiểm soát an toàn của họ; hoặc các NHTM cho vay tập trung tín dụng vào những ngành đang có khó khăn, rủi ro tín dụng lớn như BĐS, cho vay đầu tư chứng khoán…; hoặc vay nợ quá lớn trên bảng cân đối của các công ty so với năng lực trả nợ và tiềm năng kinh doanh của họ; hay các khoản nợ công ngày một lớn từ các Chính phủ trong khi nguồn thu để chi trả nợ công không tương xứng hoặc thiếu bền vững.

Ngoài ra, còn có các dấu hiệu bất cân đối khác như sự phá giá tiền tệ mạnh và đột ngột, suy giảm mạnh dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong thời gian ngắn, thâm hụt cán cân thanh toán, cán cân thương mại nghiêm trọng và kéo dài…

Các dấu hiệu khác

  • Người gửi tiền vào ngân hàng tuy nhiên các ngân hàng không thể hoàn trả được khoản tiền gửi đó.
  • Những khách hàng vay vốn từ ngân hàng, kể cả khách vay vốn tiềm năng cũng không thể hoàn trả khoản vay đầy đủ.
  • Chính phủ không tiếp tục áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định.
  • Tình trạng tài chính đã bị tự do hóa.
  • Hệ thống ngân hàng trong nước bị yếu kém và suy thoái.
  • Thể chế giám sát tài chính trong nước cũng bị suy giảm.

Các cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử

  • Cơn sốt hoa Tulip ở Hà Lan 1637
  • Khủng hoảng Công ty Nam Dương ở Anh 1720
  • Đại khủng hoảng ở Mỹ 1929
  • Thỏa thuận Bretton Woods 1944 – 1971
  • Khủng hoảng nợ các nước Châu Mỹ La tinh thập niên 1980
  • Ngày thứ Hai đen tối 1987
  • Khủng hoảng cơ chế tỷ giá châu Âu 1992 – 1993
  • Khủng hoảng ở Mexico 1994 – 1995
  • Khủng hoảng Đông Á 1997 – 1998
  • Khủng hoảng ở Argentina 2001 – 2002
  • Khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 – 2009

Theo Tiểu Luận StuDoc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *