Forex Broker là gì?

Việc đầu tiên để bạn có thể bắt đầu giao dịch forex, đó là tìm một nhà môi giới ngoại hối, hay còn được biết đến dưới các thuật ngữ khác như forex broker, hay sàn giao dịch forex.

Với công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, cùng với sự bùng nổ của thị trường tài chính, có rất nhiều nhà môi giới ngoại hối để bạn lựa chọn. Chúng ta sẽ cùng xem định nghĩa nhà môi giới ngoại hối là gì và cách bạn có thể tìm được nhà môi giới phù hợp để giao dịch hoặc đầu tư.

Forex Broker là gì?

Nhà môi giới ngoại hối là một nhà cung cấp dịch vụ tài chính cho phép bạn mua và bán tiền tệ. Nó giống như một người trung gian giữa các nhà giao dịch và liên ngân hàng, là một thị trường toàn cầu cho phép bạn giao dịch ngoại tệ.

Trước đây, một broker sẽ thay mặt bạn để thực hiện mua và bán tiền tệ. Nhưng ngày nay có rất nhiều forex broker trực tuyến cung cấp các nền tảng giao dịch để bạn tự mình giao dịch tiền tệ và các sản phẩm khác.

Một số broker là một phần của các công ty tài chính lớn hơn cung cấp một loạt các dịch vụ về đầu tư như cổ phiếu, quỹ và trái phiếu. Trong khi những broker khác là các công ty nhỏ hơn chuyên về ngoại hối.

Forex broker chia thành hai loại chính:

  • Dealing Desk: Các nhà môi giới dealing desk, hay nhà tạo lập thị trường (market maker) đặt mức chênh giá cố định (fixed spread) cho việc mua và bán tiền tệ. Các broker này thường được các tổ chức đầu tư sử dụng vì họ tạo ra thị trường riêng cho khách hàng của họ.
  • No Dealing Desk: Các nhà môi giới no dealing desk phân tích giá tiền tệ từ các tổ chức tài chính khác nhau, chẳng hạn như ngân hàng và chuyển giá tốt nhất cho các nhà giao dịch. No dealing desk broker thường phổ biến hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân, vì họ khó tiếp cận với liên ngân hàng và tự thực hiện các giao dịch.

Làm thế nào để tìm được một Forex Broker tốt?

Với thế mạnh của internet ngày nay, chỉ cần gõ từ khoá trên một search engine nào đó (Google chẳng hạn) là bạn có thể tìm thấy hàng loạt forex broker. Có rất nhiều broker trên thị trường, vì vậy bạn có nhiều lựa chọn hơn từ việc so sánh thế mạnh mà mỗi một broker có thể đem tới cho mình.

Khi bạn tìm được một broker phù hợp, bạn có thể mở tài khoản trực tuyến để bắt đầu giao dịch.

Một forex broker phù hợp với bạn khi những gì họ cung cấp phù hợp và thuận lợi cho chiến lược đầu tư của bạn và những gì bạn hy vọng thu được từ việc giao dịch ngoại hối.

Bạn nên suy nghĩ về những điều sau đây khi quyết định chọn một forex broker để trao túi tiền và niềm tin:

Giấy phép chuẩn

Các broker được cấp phép bởi FCA (Vương quốc Anh), ASIC (Úc) là những broker tốt để lựa chọn. Kế đến là những broker có giấy phép Cysec (tới từ đảo Síp), MFSA MaltaFSP New Zealand. Những loại giấy phép khác như Cayman, Belize, BVI, Saint Nevis, Seychelles St.Vincent & Grenadines… đến từ những quốc đảo hoặc quốc gia có luật pháp về tài chính dễ dải và lỏng lẻo hơn.

FCA – Cơ quan Quản lý Tài chính điều chỉnh các công ty cung cấp, quảng bá hoặc bán các dịch vụ hoặc sản phẩm tài chính ở Vương quốc Anh. Nếu một broker được FCA ủy quyền, khoản đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ bởi Chương trình Bồi thường Dịch vụ Tài chính (FSCS). FSCS bảo vệ các khoản đầu tư lên đến 85 000 bảng Anh nếu một công ty phá sản hoặc bạn nhận được lời khuyên không tốt khiến bạn mất tiền.

ASIC – Australian Securities and Investment Commission là Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc. Các công ty forex dưới sự giám sát của ASIC cũng là một trong những công ty được quản lý tốt nhất. Các broker Úc hàng đầu phổ biến với trader Việt như: ICMarkets, ThinkMarkets

Các cặp tiền tệ

Trong ngoại hối, tiền tệ được giao dịch theo cặp – được gọi là cặp tiền tệ hoặc cặp tỷ giá. Đó là bởi vì khi bạn mua một loại tiền tệ, bạn đồng thời bán một loại tiền tệ khác.

Có ba loại cặp tiền tệ chính:

  • Các cặp tiền tệ chính: các cặp tiền tệ được giao dịch phổ biến nhất trên thế giới.
  • Các cặp tiền chéo: những cặp không bao gồm USD (đôi khi chúng được gọi là các cặp tiền nhỏ).
  • Các cặp tiền tệ ngoại lai: bao gồm tiền tệ của một nền kinh tế lớn và một cặp tiền tệ của một nền kinh tế đang phát triển.
Các cặp tiền chính – Major Pairs – Ảnh: Internet

Hầu hết các forex broker sẽ cung cấp giao dịch các cặp tiền tệ chính nhưng không phải tất cả đều cung cấp các cặp tiền chéo và ngoại lai. Vì vậy, bạn nên kiểm tra các loại tiền tệ mà bạn được quyền giao dịch trước khi chọn một nhà môi giới ngoại hối.

Đòn bẩy và ký quỹ

Đòn bẩy cho phép bạn vay từ broker để có thể giao dịch số lượng tiền tệ lớn hơn. Bạn phải đặt một khoản ký quỹ ban đầu nhỏ, và nhà môi giới sẽ nạp phần còn lại.

Ví dụ: nếu một broker cung cấp đòn bẩy 1:20, bạn có thể thực hiện các giao dịch gấp 20 lần giá trị ký quỹ của mình. Số lượng đòn bẩy được cung cấp khác nhau giữa các nhà môi giới, vì vậy bạn nên so sánh chúng để tìm ra loại đòn bẩy phù hợp nhất cho chiến lược đầu tư và số vốn của bạn.

Mặc dù đòn bẩy có thể là một công cụ hữu ích, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ mất tiền của bạn nếu biến động giá quá lớn.

Dưới đây là một ví dụ: giả sử nhà giao dịch A và nhà giao dịch B đều có 5 000 USD để đầu tư vào GBP/USD.

Nhà giao dịch A sử dụng đòn bẩy 1:20 để tăng khoản đầu tư của họ lên 100 000 USD. Họ sử dụng 5 000 USD làm tiền ký quỹ và broker của họ thêm 95 000 USD để bổ sung vào tài khoản của họ.

Nhà giao dịch B quyết định không sử dụng đòn bẩy.

Đòn bẩy là một yếu tố để lựa chọn sàn forex – Ảnh: Internet

Nếu giá trị của GBP/USD tăng 5%, nhà giao dịch A kiếm được 5 000 USD từ khoản đầu tư trong khi nhà giao dịch B chỉ kiếm được 250 đồng.

Nhưng, nếu giá trị của GBP/USD giảm 5%, nhà giao dịch A mất 5 000 USD (toàn bộ số vốn họ đầu tư), thì nhà giao dịch B chỉ mất 250 USD, tương đương 5% số vốn ban đầu.

Trong một số trường hợp, bạn có thể mất nhiều tiền hơn số tiền gửi ban đầu và tài khoản của bạn có thể bị âm. Nếu điều đó xảy ra, broker của bạn có thể yêu cầu bạn phải trả số tiền âm đó.

Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ các rủi ro liên quan và số tiền bạn có thể mất trước khi sử dụng đòn bẩy, vì về cơ bản, nó khiến bạn có rủi ro không giới hạn. Không có giới hạn cao nhất về số tiền bạn có thể bị mất, không giống như đầu tư truyền thống, nơi số tiền bạn có thể mất nhiều nhất là số tiền bạn bỏ ra lúc đầu.

Đòn bẩy tối đa ở các thị trường Anh và Úc thường là không quá 1:30. Trong khi các giấy phép khác cho phép đòn bẩy có thể lên tới 1:500, thậm chí 1:2000.

Spread – Chênh giá

Các forex broker thường kiếm tiền thông qua spread, là chênh lệch giữa giá mua và giá bán của một cặp tiền tệ.

Có hai loại spread khác nhau:

  • Spread thả nổi: chênh lệch giá thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường
  • Spread cố định: chênh lệch giá không đổi

Spread thả nổi có xu hướng thấp hơn spread cố định khi thị trường hoạt động mạnh và việc mua bán các cặp tiền tệ rất dễ dàng (thanh khoản cao). Nhưng spread có thể tăng mạnh nếu thị trường trầm lắng hoặc khó trao đổi tiền tệ (thanh khoản kém).

Mặc dù spread cố định thường cao hơn, nhưng bạn lại tránh được những thay đổi mạnh từ thị trường (như ảnh hưởng khi tin ra, có xung đột, chiến tranh, dịch bệnh…).

Phí

Điều quan trọng là phải xem xét bất kỳ khoản phí hoặc chi phí bổ sung nào mà broker yêu cầu, vì chúng có thể ăn vào lợi nhuận của bạn.

Một số khoản phí cần lưu ý bao gồm:

  • Phí tài khoản: thường được tính hàng tháng hoặc hàng năm để giữ cho tài khoản của bạn luôn mở
  • Phí không hoạt động: khoản phí nếu bạn ngừng giao dịch sau một khoảng thời gian nhất định
  • Phí cho mỗi giao dịch: một khoản phí cho mỗi giao dịch bạn thực hiện
  • Phí chuyển đổi tiền tệ: chi phí chuyển đổi lợi nhuận thành đơn vị tiền tệ chính mà bạn giao dịch (đây được gọi là tiền tệ cơ sở)

Chăm sóc khách hàng

Thị trường ngoại hối là toàn cầu và giao dịch 24 giờ một ngày (5 ngày / tuần), vì vậy điều quan trọng là phải chọn một nhà môi giới có hỗ trợ khách hàng đáng tin cậy bất cứ khi nào bạn cần.

Bạn có thể tìm các bài đánh giá về các forex broker để biết dịch vụ khách hàng của họ như thế nào. Bạn cũng nên thử nghiệm các kênh liên hệ khác nhau của họ để xem mất bao lâu họ mới phản hồi bạn.

Nạp rút

Nạp rút là một vấn đề quan trọng khác để đánh giá và lựa chọn một forex broker. Bạn nên kiểm tra xem broker của bạn có hỗ trợ nạp tiền dễ dàng (qua ngân hàng nội địa hoặc cổng thanh toán nội địa) không? Thời gian nạp và rút có nhanh không? Thao tác nạp/rút có dễ dàng không? Hệ thống thanh toán có hay bị lỗi không? Có bảo mật, đáng tin cậy không?

Forex Broker Scam là gì?

Lừa đảo môi giới ngoại hối liên quan đến việc tội phạm tạo ra các broker không có giấy phép nhưng lại nói là các dịch vụ hợp pháp đã tồn tại để lừa các nhà đầu tư nạp tiền (và mất tiền).

Đặc điểm của bọn forex scam này là chúng thường sao chép tên, chi tiết liên hệ và số đăng ký của một nhà môi giới ngoại hối có giấy phép. Một số thậm chí còn tạo ra các trang web giống hệt nhau để lừa các nhà đầu tư nạp tiền.

Forex Scam – Ảnh: Internet

Bạn nên kiểm tra số đăng ký tại các web mà các tổ chức cấp giấy phép cung cấp. Nếu họ không có trong danh sách, đó có thể là một broker lừa đảo. Luôn sử dụng số liên lạc được cung cấp trong sổ đăng ký để liên hệ với bất kỳ công ty nào, đó là cách để tránh bị tụi lừa đảo scam.

FCA cũng có một danh sách cảnh báo các công ty không được phép. Vì vậy, hãy chắc chắn kiểm tra xem có nhà môi giới nào ở đó hay không trước khi đầu tư.

Tôi nên làm gì nếu bị lừa đảo?

Nếu bạn nghĩ rằng mình đã rơi vào một vụ lừa đảo của forex broker, đừng im lặng mà hãy hành động ngay.

Bạn cần liên hệ với ngân hàng của mình càng sớm càng tốt nếu bạn có:

  • Thực hiện thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng
  • Thực hiện thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng
  • Cung cấp thông tin cá nhân

Bạn cũng nên báo cáo hành vi lừa đảo cho các bên có thẩm quyền (chẳng hạn như Action Fraud và FCA, ASIC…) để họ điều tra và cố gắng thu hồi tiền của bạn nếu có thể. Cũng là để giúp các nhà giao dịch khác không bị rơi vào những trò gian lận tương tự. Nói cho cùng, trang bị kiến thức và cẩn thận đánh giá, điều tra, xem xét kỹ trước khi “xuống vốn” vẫn là quan trọng nhất, không gì bằng tự mình bảo vệ mình, đồng tiền đi liền khúc ruột.

Biên tập V.H, tham khảo Nerd

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *