Web3 là gì và tại sao Web3 quan trọng?

Giới thiệu Web3

Centralization – Sự tập trung hoá đã đưa hàng tỷ người tiếp vận với Internet – Word Wide Web và biến WWW thành một cơ sở hạ tầng ổn định và mạnh mẽ. Nhưng mặt trái của sự tập trung hoá là trên thế giới WWW, tồn lại những thành trì rộng lớn mà người dùng hoàn toàn phải tuân theo mọi quy định / quyết định của nó.

Web3 ra đời chính là đi tìm câu trả lời cho vấn đề vừa nêu ra ở trên. Thay vì một trang Web được độc quyền bởi các công ty công nghệ lớn, Web3 tạo ra sự phân quyền và hướng tới người dùng xây dựng, vận hành và sở hữu. Web3 đặt quyền lực vào tay các cá nhân hơn là các tập đoàn. Hãy cùng V.H tìm hiểu kỹ hơn về Web3.

Các thế hệ Web trước đây

Ngày nay, website đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của loài người, và giới trẻ thậm chí nghĩ vốn nó đã mang hình hài như vậy từ khi ra đời. Tuy nhiên, những trang web mà hầu hết chúng ta biết ngày nay hoàn toàn khác so với tưởng tượng ban đầu. Tất nhiên có cái tên Web3 hẳn là phải có 1 và 2 rồi. Hãy cùng lướt qua lịch sử của Web từ thời Web 1.0Web 2.0.

Web 1.0: Read-Only / Chỉ đọc (1990-2004)

Năm 1989, tại CERN, Geneva, Tim Berners-Lee đang bận rộn phát triển các giao thức mà sau này sẽ trở thành World Wide Web. Ý tưởng của ông ấy là gì? Để tạo ra các giao thức mở, phi tập trung cho phép chia sẻ thông tin từ mọi nơi trên Trái đất.

Web 1.0 – Ảnh: Ethereum

Công trình đầu tiên này của Berners-Lee, hiện được gọi là “Web 1.0”, diễn ra vào giai đoạn khoảng giữa năm 1990 đến 2004. Web 1.0 chủ yếu là các trang web tĩnh do các công ty sở hữu và gần như không có sự tương tác giữa người dùng với nhau – nó được gọi là web chỉ đọc.

Web 2.0: Read-Write / Đọc-Ghi (2004-nay)

Thời kỳ Web 2.0 bắt đầu vào năm 2004 với sự xuất hiện của các nền tảng truyền thông xã hội. Thay vì chỉ đọc, web đã phát triển để có thể đọc-ghi. Thay vì các công ty cung cấp nội dung cho người dùng, họ cũng bắt đầu cung cấp các nền tảng để chia sẻ những nội dung do người dùng tạo và tham gia vào các tương tác giữa người dùng với nhau.

Web 2.0 – Ảnh: Ethereum

Khi nhiều người truy cập trực tuyến hơn, một số công ty hàng đầu bắt đầu kiểm soát lưu lượng truy cập và giá trị được tạo ra trên web không cân đối. Web 2.0 cũng khai sinh ra mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo. Mặc dù người dùng có thể tạo nội dung nhưng họ không sở hữu nội dung đó hoặc không được hưởng lợi từ việc kiếm tiền từ nội dung đó.

Web 3.0: Read-Write-Own / Đọc-Ghi-Sở Hữu

Tiền đề của “Web 3.0” được đặt ra bởi người đồng sáng lập Ethereum Gavin Wood ngay sau khi Ethereum ra mắt vào năm 2014. Gavin đã đưa ra giải pháp cho một vấn đề mà nhiều người ủng hộ tiền điện tử ban đầu cảm thấy: Web đòi hỏi quá nhiều sự tin tưởng. Có nghĩa là, hầu hết các trang Web mà mọi người biết và sử dụng ngày nay đều dựa vào việc tin tưởng vào một số ít các công ty tư nhân hoạt động vì lợi ích tốt nhất của công chúng (mà họ cam đoan như thế!)

Web3 – Ảnh: Ethereum

Web3 là gì?

Web3 đã trở thành một thuật ngữ chung cho tầm nhìn về một mạng internet mới, tốt hơn. Về cốt lõi, Web3 sử dụng blockchain, tiền điện tử và NFT để cung cấp quyền lực cho người dùng dưới hình thức sở hữu. Web1 là chỉ đọc, Web2 là đọc-ghi, Web3 sẽ là đọc-ghi-sở hữu.

Ý tưởng cốt lõi của Web3

Mặc dù thật khó để đưa ra một định nghĩa khô khan về Web3 là gì, nhưng có một vài nguyên tắc cốt lõi của việc tạo ra Web3 như sau:

  • Web3 là phi tập trung: thay vì một vùng rộng lớn của internet bị kiểm soát và sở hữu bởi các thực thể tập trung, quyền sở hữu được phân phối giữa những người xây dựng và người dùng của nó.
  • Web3 không có vùng cấm: mọi người đều có quyền truy cập bình đẳng để tham gia vào Web3 và không ai ngoại lệ.
  • Web3 hướng tới thanh toán gốc: web3 sử dụng tiền điện tử để giao dịch và gửi tiền trực tuyến thay vì dựa vào cơ sở hạ tầng lỗi thời của các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán.
  • Web3 không cần bên thứ 3: web3 sử dụng các cơ chế khuyến khích và kinh tế thay vì dựa vào các bên thứ ba và người dùng buộc phải đặt niềm tin vào họ.

Tại sao Web3 lại quan trọng?

Quyền sở hữu

Web3 cung cấp cho bạn quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số của mình theo cách chưa từng có. Giả sử bạn đang chơi một trò chơi web2. Nếu bạn mua một vật phẩm trong trò chơi, vật phẩm đó sẽ được liên kết trực tiếp với tài khoản của bạn. Nếu người tạo trò chơi xóa tài khoản của bạn, bạn sẽ mất những vật phẩm này. Hoặc, nếu bạn ngừng chơi trò chơi, bạn sẽ mất giá trị mà bạn đã đầu tư vào các vật phẩm trong trò chơi của mình.

Web3 cho phép quyền sở hữu trực tiếp thông qua các token NFT. Không ai, ngay cả những người tạo ra trò chơi, có quyền tước đi quyền sở hữu của bạn. Và, nếu bạn ngừng chơi, bạn có thể bán hoặc trao đổi các vật phẩm trong trò chơi của mình trên các thị trường mở và thu lại giá trị của chúng.

Chống kiểm duyệt

Quan hệ giữa các nền tảng (web) và người tạo nội dung bị mất cân bằng rất lớn.

OnlyFans là trang web nội dung người lớn do người dùng tạo ra với hơn 1 triệu người sáng tạo nội dung, nhiều người trong số họ sử dụng nền tảng này làm nguồn thu nhập chính của họ. Vào tháng 8/2021, OnlyFans công bố kế hoạch cấm nội dung khiêu dâm. Thông báo này đã gây ra sự phẫn nộ trong số những người sáng tạo nội dung trên nền tảng, cảm thấy họ đang bị cướp mất thu nhập trên nền tảng mà họ đã đóng góp để tạo ra. Sau phản ứng dữ dội từ phía các “creator”, quyết định nhanh chóng bị bác bỏ. Mặc dù những người sáng tạo chiến thắng trong trận chiến này, nhưng điều đó làm nổi bật một vấn đề đối với những người sáng tạo Web 2.0: bạn sẽ mất danh tiếng và số lượt theo dõi bạn đã tích lũy nếu bạn rời khỏi nền tảng đó.

Trên Web3, dữ liệu của bạn tồn tại trên blockchain. Khi bạn quyết định rời khỏi một nền tảng, bạn có thể mang theo danh tiếng của mình, gắn nó vào một giao diện khác phù hợp hơn với các giá trị của bạn.

Web 2.0 yêu cầu người tạo nội dung phải tin vào việc các nền tảng không thay đổi các quy tắc, trong khi khả năng chống kiểm duyệt là một tính năng cơ bản của nền tảng Web3.

Các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO)

Cũng như sở hữu dữ liệu của bạn trong Web3, bạn có thể đồng sở hữu nền tảng này như một tập thể, sử dụng các token tiền điện tử giống như cổ phần trong một công ty. DAO cho phép bạn điều phối quyền sở hữu phi tập trung của một nền tảng và đưa ra quyết định về tương lai của nó.

Các DAO được định nghĩa về mặt kỹ thuật là các hợp đồng thông minh đã thỏa thuận để tự động hóa việc ra quyết định phi tập trung trên một nhóm tài nguyên (token). Người dùng có token sẽ bỏ phiếu về cách sử dụng tài nguyên và việc bỏ phiếu diễn ra tự động.

Xác thực danh tính

Theo cách truyền thống, bạn sẽ tạo một tài khoản cho mọi nền tảng bạn sử dụng. Ví dụ: bạn có thể tạo tài khoản Twitter, tài khoản YouTube và tài khoản Facebook. Bạn muốn thay đổi tên hiển thị hoặc ảnh hồ sơ của mình thì phải làm điều đó trên mọi tài khoản. Bạn có thể đăng nhập mạng xã hội trong một số trường hợp, nhưng điều này gây ra một vấn đề quen thuộc — đó là bị kiểm duyệt. Chỉ với một cú nhấp chuột, các nền tảng này có thể khóa bạn khỏi toàn bộ cuộc sống online của mình (thực tế này diễn ra nhiều trong thời gian gần đây khi nhiều tài khoản MXH bị khoá và kiểm duyệt hơn). Thậm chí tệ hơn, nhiều nền tảng yêu cầu bạn phải tin tưởng họ sẽ không chia sẻ thông tin danh tính cá nhân của bạn thì mới tạo được tài khoản.

Web3 giải quyết những vấn đề này bằng cách cho phép bạn kiểm soát danh tính kỹ thuật số của mình bằng địa chỉ Ethereum và hồ sơ ENS. Sử dụng địa chỉ Ethereum cung cấp một thông tin đăng nhập duy nhất trên các nền tảng an toàn, chống kiểm duyệt và ẩn danh.

Thanh toán gốc

Cơ sở hạ tầng thanh toán của Web2 phụ thuộc vào các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán, có nghĩa là những người không có tài khoản ngân hàng hoặc những người tình cờ sống trong biên giới của các quốc gia không hợp lệ không có quyền thanh toán online. Web3 sử dụng các token tiền kỹ thuật số như ETH để gửi tiền trực tiếp trong trình duyệt và không yêu cầu bên thứ ba nào tham gia.

Những hạn chế của Web3

Mặc dù Web3 có nhiều ích lợi không thể bàn cãi, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế mà hệ sinh thái này phải giải quyết để Web3 có thể phát triển trong tương lai.

Khả năng tiếp cận

Các tính năng quan trọng của Web3, như Đăng nhập bằng Ethereum, đã có sẵn cho mọi người sử dụng với chi phí bằng không. Tuy nhiên, phí giao dịch vẫn là bài toán đối với nhiều người. Web3 ít có khả năng được sử dụng ở các quốc gia đang phát triển, do phí giao dịch cao. Trên Ethereum, những thách thức này đang được giải quyết thông qua nâng cấp mạng và các giải pháp mở rộng lớp 2. Công nghệ đã sẵn sàng, nhưng chúng ta cần mức độ áp dụng cao hơn ở lớp 2 để mọi người có thể truy cập Web3.

Trải nghiệm người dùng

Rào cản kỹ thuật đối với việc sử dụng Web3 hiện quá cao. Người dùng phải có hiểu biết về bảo mật, hiểu tài liệu kỹ thuật phức tạp và điều hướng các giao diện người dùng không trực quan. Các nhà cung cấp ví đang cố gắng để giải quyết vấn đề này, nhưng cần có thêm những bước tiến trước khi Web3 được chấp nhận rộng rãi.

Giáo dục

Web3 giới thiệu các mô hình mới và chúng rất khác so với công nghệ của Web2.0. Điều tương tự đã xảy ra khi Web1.0 trở nên phổ biến vào cuối những năm 1990: những người ủng hộ world wide web đã sử dụng một loạt các kỹ thuật giáo dục để phổ cập cho công chúng từ những phép ẩn dụ đơn giản (xa lộ thông tin, trình duyệt, lướt web) đến các chương trình truyền hình. Web3 không khó, nhưng nó khác biệt. Các sáng kiến giáo dục cho người dùng Web2 về các mô hình Web3 này là rất quan trọng để có thể thành công.

Ethereum.org đã và đang có nhiều đóng góp vào giáo dục Web3 thông qua Chương trình dịch của họ, nhằm mục đích dịch nội dung Ethereum quan trọng sang nhiều ngôn ngữ nhất có thể.

Cơ sở hạ tầng tập trung

Hệ sinh thái Web3 còn non trẻ và đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, nó hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở hạ tầng tập trung (GitHub, Twitter, Discord…). Nhiều công ty Web3 đang gấp rút lấp đầy những khoảng trống này, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đáng tin cậy cần có thời gian.

Một tương lai phi tập trung

Web3 là một hệ sinh thái trẻ và đang phát triển. Gavin Wood đặt ra thuật ngữ này vào năm 2014, nhưng nhiều ý tưởng về Web3 chỉ gần đây mới trở thành hiện thực. Chỉ trong năm ngoái, sự quan tâm đến tiền điện tử đã tăng lên đáng kể, các cải tiến đối với các giải pháp mở rộng quy mô lớp 2, các thử nghiệm lớn với các hình thức quản trị mới và những cuộc cách mạng trong nhận dạng kỹ thuật số.

Chúng ta chỉ mới bắt đầu tạo ra một trang Web tốt hơn với Web3, nhưng chỉ khi tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ nó phát triển, tương lai của Web và Internet mới trở nên tươi sáng.

Theo Ethereum

One thought on “Web3 là gì và tại sao Web3 quan trọng?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *