4 lý do bạn nên bán hoặc cắt lỗ cổ phiếu đang nắm giữ

Nhiều nhà đầu tư thường do dự khi bán cổ phiếu, hy vọng rằng công ty hoặc thị trường sẽ phục hồi và giá trị của cổ phiếu sẽ tăng. Nhưng một nhà đầu tư nhạy bén sẽ bán cổ phiếu khi nhận ra 4 dấu hiệu dưới đây.

Cổ phiếu được định giá quá cao

Một trong những lý do tốt nhất để bán cổ phiếu là khi cổ phiếu được định giá quá cao so với thị trường. Tất nhiên, “mua thấp, bán cao” là chuyện nói dễ hơn làm. Bạn nên xác định điểm thoát mà tại đó doanh nghiệp đang được thị trường chứng khoán đánh giá cao, trừ khi đó là loại cổ phiếu mà nhà đầu tư dự định nắm giữ lâu dài hoặc mãi mãi.

Cũng giống như việc nên phân tích để xác định cổ phiếu được thị trường định giá thấp và sẽ tăng giá trị, nhà đầu tư nên phân tích lượng cổ phiếu nắm giữ của chính họ để xác định cổ phiếu hiện đang được định giá cao hay quá cao.

Có thể bạn sẽ thấy khó khăn để chia tay một cổ phiếu ngay cả khi phân tích chỉ ra rằng nó được định giá quá cao. Lý do cho điều này là tâm lý con người luôn kỳ vọng những thứ mình sở hữu sẽ có giá trị cao hơn những thứ mình không sở hữu. Ngoài ra, một cổ phiếu có mức tăng giá lớn thường khiến nhà đầu tư tin rằng giá còn tiếp tục tăng. Đó không phải là lý do hợp lý chính đáng để nắm giữ cổ phiếu, việc đúng đắn là nên tuân theo phân tích của mình và thoát khỏi vị thế khi phù hợp.

Ý tưởng đầu tư của bạn hóa ra là sai lầm

Một lý do khác để bán cổ phiếu là khi ý tưởng đầu tư (hay “luận điểm đầu tư”) đằng sau việc mua cổ phiếu hóa ra là một sự sai lầm.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty thiết bị xây dựng vì tin rằng nền kinh tế sẽ cải thiện trong năm tới. Trường hợp này họ nên bán số cổ phiếu đó đi nếu thực tế nền kinh tế không cải thiện. Ví dụ khác, một nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng vì tin rằng sản phẩm mới của họ sẽ dẫn đến tăng trưởng doanh số bán hàng lớn. Nếu sự thực là sản phẩm thất bại, thì nhà đầu tư không có lý do gì để giữ lại những cổ phiếu đó.

Thoát hàng khi thấy ý tưởng đầu tư của bạn sai lầm. – Ảnh: Internet

Bạn nên viết ra lý do và phân tích kỹ trước khi mua cổ phiếu của bất kỳ công ty nào. Và bất kỳ thời điểm nào trong khi đang nắm giữ những cổ phiếu đó, lý do hoặc phân tích của bạn sai, thì đó là thời điểm “thoát hàng”.

Nếu không làm được điều này, hậu quả là bạn sẽ nắm giữ cổ phần trong các công ty mà chẳng có lý do gì hợp lý đằng sau. Thị trường chứng khoán vốn dĩ hướng về tương lai, và tương lai vốn không chắc chắn, nhưng viện ra những lý do bất thường để tiếp tục nắm giữ cổ phiếu khi lý do mua cổ phiếu đó không còn đúng nữa chắc chắn là một sự sai lầm.

Bạn tìm thấy một cơ hội tốt hơn

Theo dõi danh mục đầu tư cổ phiếu của mình một cách cẩn thận và chỉ nắm giữ các mã phù hợp nhất với phân tích của mình là việc nhà đầu tư phải làm thường xuyên. Không có ý nghĩa gì đối với một nhà đầu tư khi đa dạng hóa quá mức giữa hàng tá ý tưởng đầu tư. Lý tưởng nhất, một danh mục đầu tư chứng khoán sẽ không chứa nhiều hơn 10 tới 15 mã mà theo hệ thống phân tích của bạn là những ý tưởng đầu tư tốt nhất.

Do đó, nhà đầu tư có thể định kỳ xem xét danh mục đầu tư của mình và quyết định thay thế ý tưởng đầu tư mới tốt hơn những mã mình đang giữ trong giỏ hàng. Giả sử rằng nhà đầu tư hiện đã đa dạng hóa tốt và vị thế mới sẽ không làm tổn hại đến sự đa dạng hóa đó, thì bạn nên bán đi món hàng nào có ít ý tưởng đầu tư nhất (bạn đánh giá nó là kém nhất trong danh sách).

Doanh nghiệp đi vào suy yếu vĩnh viễn

Lý do cuối cùng này có lẽ là lý do đau đớn nhất để bán cổ phiếu — khi hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp đã bị suy yếu vĩnh viễn. Nếu một nhà đầu tư mua một cổ phiếu với kỳ vọng tương lai của công ty sẽ giống như quá khứ gần đây của nó, thì đừng ngần ngại bán cổ phiếu đó khi thấy hoạt động kinh doanh của công ty đã sa sút đáng kể.

Việc bán một cổ phiếu trong tình huống này có thể khó thực hiện vì chắc chắn bạn sẽ bị thua lỗ. Các nhà đầu tư thường muốn giữ cổ phiếu khi chúng giảm với hy vọng giá cổ phiếu sẽ phục hồi như trước khi giảm tiếp. Tuy nhiên, đây là một sai lầm đầu tư.

Không có gì sai khi đầu tư vào các công ty có triển vọng kinh doanh kém, với điều kiện là thị trường đang đánh giá thấp công ty đó. Nhưng một nhà đầu tư đã mua và tin rằng triển vọng của công ty sẽ tốt lên sẽ không ngần ngại bán khi triển vọng kinh doanh của công ty trở nên yếu kém.

Nếu do dự không bán, bạn sẽ trở thành chủ sở hữu của một doanh nghiệp tồi mà không có sự phân tích chi tiết về lý do thị trường định giá thấp doanh nghiệp. Đó là một sai lầm đầu tư nguy hiểm.

Theo All Business

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *